TÌNH HÌNH NUÔI BIỂN NĂM 2020 VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Thứ ba - 27/07/2021 22:07 1.134 0
I. Hiện trạng nuôi biển
1. Tiềm năng phát triển nuôi biển
1.1. Hiện trạng tự nhiên - kinh tế xã hội:
Nghệ An là tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu sự tác động trực tiếp của gió mùa Tây - Nam khô và nóng (từ tháng 4 đến tháng 8) và gió mùa Đông Bắc lạnh, ẩm ướt (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau). Có bờ biển dài trên 82 km, hải phận rộng 4.230 hải lý vuông; dọc bờ biển có 6 cửa lạch: Lạch Quèn, Lạch Cờn, Lạch Thơi, Lạch Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội; vùng biển có đảo Ngư, đảo Mắt và đảo Lan Châu.
Theo số liệu điều tra của ngành, tỉnh có diện tích có thể nuôi trồng thuỷ sản là 62.549 ha. Trong đó: diện tích nuôi nước ngọt 57.377 ha, diện tích nuôi mặn lợ 3.872 ha, diện tích có khả năng nuôi biển 1.300 ha … là những điều kiện thuận lợi cho phát triển Nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
1.2. Diện tích:
Theo Quyết định số 6343/QQĐ-UBND ngày 30/12/2015 của UBND tỉnh Nghệ An về Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Nghệ An đến 2020, tầm nhìn 2030 diện tích nuôi biển có thể đưa vào nuôi các đối tượng như nhuyễn thể bãi triều là 400 ha, nuôi tôm là 1.400 ha và nuôi cua, cá, hàu là 200 ha.
1.3. Đối tượng:
Các đối tượng có thể sinh trưởng và phát triển tại vùng ven biển của Nghệ An như: tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá mú, cá vược, cá hồng mỹ, cá rô phi, cá chim vây vàng, ốc hương, ngao, hàu,…
2. Hiện trạng về hạ tầng
Trong những năm qua, hạ tầng cơ sở của các vùng nuôi thủy sản ven biển không ngừng được cải thiện nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng phát triển của sản xuất cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mặc dù đã có những bước phát triển, nhưng nhìn chung nghề nuôi biển của tỉnh hiện vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ nên chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có. 
3. Hiện trạng về sản xuất giống thủy sản năm 2020
   Lĩnh vực sản xuất giống mặn, lợ có những bước phát triển tốt về quy trình sản xuất, tăng mạnh về số lượng và ch  ất lượng được kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nhiều cơ sở đã làm chủ được công nghệ sản xuất, ương dưỡng giống các loại như: Tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua, hàu, ngao và cá vược, hồng mỹ, mú, chim… có thể khẳng định Nghệ An là thành Trung tâm giống thủy sản mặn, lợ của khu vực Bắc Miền Trung và các tỉnh phía Bắc.
3.1. Tình hình sản xuất và cung ứng giống cá biển:
Năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 01 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá biển; kết quả: Sản xuấtHồng Mỹ đạt 20 vạn cá giống và ương dưỡng các loại giống cá biển (cá vược, cá chim vây vàng) đạt 11 vạn con cá giống.
Nguồn giống: Cá biển chủ yếu được lấy về từ Vũng Tàu, Nha Trang, Hải Phòng về ương dưỡng và cơ bản cung ứng đủ cho cả thị trường trong tỉnh và một số ít hộ nuôi ngoại tỉnh.
3.2. Tình hình sản xuất và cung ứng giống nhuyễn thể:
Toàn tỉnh có 03 cơ sở sản xuất, hàng năm sản xuất được trên 2,5 tỷ con giống. Nhìn chung sản xuất, tiêu thụ khá thuận lợi.
3.3. Tình hình sản xuất và cung ứng giống giáp xác:
- Về tôm sú: Toàn tỉnh có 13 cơ sở sản xuất đạt 211 triệu con giống. Thị trường tiêu thụ nhìn chung khó khăn, giá bán thấp gây ảnh hưởng tới tâm lý cũng như hiệu quả sản xuất của người dân,
- Về tôm thẻ chân trắng: Hoạt động sản xuất, ương dưỡng giống những tháng đầu năm diễn ra khá thuận lợi, tỷ lệ đẻ và ương dưỡng đạt cao, chất lượng tôm giống đảm bảo với tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhu cầu thả nuôi người dân trong và ngoài tỉnh giảm nên số lượng sản xuất, ương dưỡng thấp hơn so năm 2019. Năm 2020 có 08 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đạt 1.898 triệu con, con giống được sản xuất, ương dưỡng tập trung chủ yếu tại 02 cơ sở: Công ty TNHH Việt Úc - Chi nhánh Nghệ An và Công ty TNHH Hải Tuấn.
- Về cua biển: Năm 2020 có 07 cơ sở tham gia sản xuất đạt 15 triệu con. So với mọi năm, cua giống năm 2020 tiêu thụ thuận lợi, giá bán ổn định hơn, giao động từ 350 - 450 đồng/con tuy nhiên sản xuất khó khăn do tỷ lệ đẻ và ấp nở đạt không cao.
4. Hiện trạng sản xuất, cung ứng thức ăn và thuốc thú y thủy sản
- Số lượng nhà máy sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển (Số công ty sản xuất thức ăn có vốn đầu tư nước ngoài: không có; Số công ty sản xuất thức ăn của Việt Nam: không có).
- Hiện trạng kinh doanh thuốc thú y cung cấp cho nuôi biển: Năm 2020, có 19 cơ sở mua bán thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trên địa bàn tỉnh đều đạt yêu cầu về điều kiện mua bán thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định.
5. Hiện trạng về nuôi nhuyễn thể:
Nuôi trồng thủy sản trên biển chủ yếu phát triển hình thức nuôi bãi triều, đối tượng nuôi chủ yếu là Ngao Bến Tre, được nuôi tập trung tại các xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận, Sơn Hải - huyện Quỳnh Lưu; xã Nghi Quang, Nghi Thiết - huyện Nghi Lộc; phường Quỳnh Phương - TX.Hoàng Mai. Tình hình nuôi ngao bãi triều trong các năm gần đây tương đối thuận lợi: Ngao phát triển tốt, bệnh ít xảy ra. Trình độ kỹ thuật và ý thức về bảo vệ môi trường, nguồn lợi người dân từng bước được nâng cao.
- Kết quả nuôi nhuyễn thể năm 2020:
+ Diện tích nuôi Ngao bãi triều: 167 ha.
+ Sản lượng thu hoạch: 4.028 tấn.
- Kết quả nuôi nhuyễn thể 6 tháng đầu năm 2021:
+ Diện tích nuôi Ngao bãi triều: 167 ha.
+ Sản lượng thu hoạch: 2.200 tấn.
- Dự kiến nuôi nhuyễn thể cả năm 2021:
+ Diện tích nuôi Ngao bãi triều: 167 ha.
+ Sản lượng thu hoạch: 4.200 tấn.
6. Hiện trạng về số cơ sở/lồng bè nuôi biển
Vùng biển Nghệ An là biển hở nên hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở nuôi lồng trên biển mà chỉ có một số hộ nuôi tự phát tại các cửa sông.
- Kết quả nuôi biển năm 2020:
+ Số lồng nuôi cá cửa sông:  919 lồng
+ Sản lượng thu hoạch: 359 tấn
- Kết quả nuôi biển 6 tháng đầu năm 2021:
+ Số lồng nuôi cá cửa sông:  919 lồng
+ Sản lượng thu hoạch: 100 tấn
- Dự kiến nuôi biển cả năm 2021:
+ Số lồng nuôi cá cửa sông:  919 lồng
+ Sản lượng thu hoạch: 400 tấn
7. Thị trường tiêu thụ
- Trong nước: Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nội tỉnh và các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Hà Tĩnh.
- Ngoài ra sản phẩm nuôi biển còn được xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ chủ yếu Trung Quốc.
8. Đánh giá chung
- Nuôi nhuyễn thể bãi triều chưa phát triển tương xứng so tiềm năng theo quy hoạch, đề án đã phê duyệt. Do việc giao đất mặt nước cho người nuôi nhuyễn thể còn nhiều bất cập (gây ảnh hưởng đến sinh kế của một bộ phận khai thác tự do), vẫn còn xảy ra mâu thuẫn giữa các đối tượng cùng sử dụng tiềm năng đất đai.
- Nuôi lồng trên biển chưa phát triển, do đặc điểm vùng biển Nghệ An là biển hở, hơn nữa mực nước không sâu để ứng dụng công nghệ lồng chìm, việc tổ chức quản lý sản xuất chưa phù hợp và mặt khác người dân thiếu vốn để đầu tư.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP NUÔI BIỂN NĂM 2021 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO
Phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những khó khăn tồn tại để phát triển nghề nuôi biển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, trong thời gian tới tỉnh cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
- Tiếp tục đưa Nghệ An là Trung tâm giống thủy sản mặn, lợ của khu vực Bắc Miền Trung và các tỉnh phía Bắc. Trên cơ sở khuyến khích các cá nhân/tổ chức đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ để đa dạng đối tượng sản xuất có giá trị kinh tế cao, đảm bảo chất lượng và sạch bệnh.
- Triển khai nuôi trồng thủy sản trên biển, trước tiên xây dựng mô hình nuôi lồng công nghệ cao phù hợp vùng biển hở và kêu gọi thu hút các công ty, doanh nghiệp có năng lực về kinh tế đầu tư phát triển nuôi lồng trên biển.
- Xây dựng hệ thống dịch vụ phục vụ phát triển nuôi biển từ con giống, thức ăn, vật tư đầu vào …
- Thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường kịp thời tại các vùng nuôi biển trọng điểm để có khuyến cáo, cảnh báo kịp thời xử lý các bất lợi của thời tiết cũng như hạn chế các bệnh xảy ra và lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe thủy sản nuôi cũng như hiệu quả sản xuất.
- Tiếp tục tuyên truyền đến các địa phương, cá nhân/tổ chức có liên quan đến hoạt động NTTS thực hiện nghiêm túc Luật Thủy sản 2017
 và các văn bản liên quan; Kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất ương dưỡng giống thủy sản; Triển khai cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc thẩm quyền được quy định.

 
                          Nguồn tin: Phòng Nuôi trồng thủy sản

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
qc tc
ql cs
pmsh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập95
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm87
  • Hôm nay11,674
  • Tháng hiện tại424,887
  • Tổng lượt truy cập14,783,115
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây