06 nhóm giải pháp sớm đưa Việt Nam thành Trung tâm chế biến thủy sản toàn cầu

Thứ sáu - 27/08/2021 02:48 2.442 0
Ngày 16 tháng 8 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030” với quan điểm và định hướng chung là: sớm đưa Việt Nam trở thành Trung tâm chế biến thủy sản toàn cầu.

Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản quy mô hàng hóa lớn, hiện đại, an toàn, hiệu quả và bền vững; là trung tâm và động lực cho phát triển chuỗi giá trị thủy sản; gắn với kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và chiến lược phát triển ngành Thủy sản; nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế.
Phát huy tối đa lợi thế nguồn nguyên liệu trong nước, hài hòa với việc mở rộng thị trường nhập khẩu nguyên liệu hợp pháp. Đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là khâu đột phá trong phát triển chế biến thủy sản. Đồng thời, hình thành các tập đoàn, công ty chế biến thủy sản lớn có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới.
Đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng; đẩy mạnh chế biến các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thương hiệu và sản phẩm chế biến từ phụ phẩm.
06 nhóm giải pháp chế biến thủy sản
Để đạt được mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản đứng trong danh sách 5 nước hàng đầu thế giới, “Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030” đã nêu 06 nhóm giải pháp sau:
(1) Phát triển khoa học công nghệ
Thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 (Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ); hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm quốc gia thông qua việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 vào sản xuất. Nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chế biến, bảo quản và vận chuyển thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới giá trị gia tăng từ nguyên phụ liệu thủy sản, công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thủy sản; cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản truyền thống; sản xuất phụ gia cho chế biến thủy sản. Xây dựng các mô hình xử lý và bảo quản thủy sản sau thu hoạch cho các chủ tàu, ngư dân trực tiếp khai thác trên biển, chủ cơ sở thu mua nguyên liệu thủy sản nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế về khai thác, nuôi trồng thủy sản của các địa phương.
Bên cạnh đó, xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo đặt tại các trung tâm nghề cá lớn làm động lực thúc đẩy ngành chế biến thủy sản; khuyến khích doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các trung tâm đổi mới sáng tạo. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ số; tăng cường liên kết doanh nghiệp chế biến với các viện nghiên cứu, trường đại học, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp chế biến thủy sản về tiếp thu, làm chủ và từng bước tham gia tạo công nghệ mới. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm; trước mắt áp dụng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản, tiến tới thực hiện trên toàn chuỗi sản xuất. Thúc đẩy thực hiện việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong và ngoài nước cho sản phẩm thủy sản chủ lực, sản phẩm thủy sản chế biến truyền thống và đặc sản của địa phương.

(2) Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển chế biến thủy sản
Cụ thể là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh, tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp cơ sở chế biến thủy sản với công nghệ tiên tiến và tiết kiệm năng lượng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, hình thành các cụm công nghiệp liên kết ngành chế biến thủy sản, đầu tư hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện chính sách nhập khẩu nguyên liệu và thiết lập hệ thống hàng rào kỹ thuật của Việt Nam phù hợp với quy định quốc tế.
Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính mới, có tính đặc thù; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong chế biến thủy sản. Xây dựng chính sách khuyến khích các hộ chế biến thủy sản quy mô nhỏ liên kết theo mô hình doanh nghiệp cổ phần, hợp tác xã, tổ hợp tác đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Tiếp tục triển khai và tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách về liên kết sản xuất, hỗ trợ tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
(3) Nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản chế biến
Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch xuất nhập khẩu sản phẩm thủy sản; nhập khẩu, sản xuất kinh doanh và sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương thích với trình độ quốc tế cho tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản. Hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế của các nước nhập khẩu về mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép đối với các sản phẩm thủy sản chế biến. Đặc biệt, Việt Nam sẽ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO...) trong các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo chuẩn quốc tế.
(4) Phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần và công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành chế biến thủy sản
Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo giao thương được thuận tiện. Đầu tư phát triển chuỗi cung ứng lạnh và các dịch vụ có liên quan đến xuất nhập khẩu sản phẩm thủy sản; ưu tiên đầu tư xây dựng kho lạnh quy mô lớn tại các trung tâm nghề cá, chợ đầu mối thủy sản, cửa khẩu biên giới với Trung Quốc và các kho lạnh ngoại quan. Phát triển công nghệ phụ trợ phục vụ ngành công nghiệp chế biến thủy sản, trước mắt tập trung vào chế tạo sản xuất các loại máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất trong nước; phát triển sản xuất các loại bao bì đóng gói, các loại phụ gia chất bảo quản... đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.
(5) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
Tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ khuyến nông, khuyến công nhằm hình thành đội ngũ cán bộ kỹ thuật có đủ năng lực hỗ trợ, tư vấn phát triển công nghiệp chế biến thủy sản ở địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo đội ngũ quản lý sản xuất, công nhân kỹ thuật trình độ cao để đáp ứng yêu cầu vận hành các dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến, bảo quản thủy sản, an toàn thực phẩm, phát triển thị trường cho đội ngũ quản lý và công nhân lao động trực tiếp tại cơ sở. Thực hiện hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với sử dụng lao động tại chỗ hoặc đặt hàng về đào tạo.
(6) Về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
Tiếp tục hỗ trợ, đào tạo cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, giảm thiểu chất thải và xử lý hiệu quả các nguồn thải từ hoạt động sản xuất, bảo quản, chế biến thủy sản. Kiểm soát trong nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, nhập khẩu nguyên liệu đảm bảo 100% nguyên liệu đưa vào chế biến thủy sản có nguồn gốc hợp pháp.
06 dự án/nhiệm vụ ưu tiên
(1) Dự án đổi mới công nghệ quốc gia, phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng cao có nguồn gốc từ nguyên liệu, phụ phẩm thủy sản phục vụ ngành thực phẩm, hóa dược; (2) Nhiệm vụ đánh giá tác động của các chính sách khuyến khích phát triển chế biến, bảo quản thủy sản giai đoạn 2010 - 2020 và đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung cho giai đoạn 2021-2030; (3) Dự án điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp thúc đẩy chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản nội địa; (4) Nhiệm vụ xúc tiến đầu tư phát triển hệ thống kho lạnh bảo quản thủy sản; (5) Nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá và thông tin kịp thời nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng thủy sản của các thị trường xuất khẩu trọng điểm, thị trường tiềm năng; xây dựng định hướng xuất khẩu thủy sản giai đoạn 2021-2030; (6) Nhiệm vụ hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp, hình thành các cụm công nghiệp liên kết ngành chế biến thủy sản, chuỗi giá trị trong sản xuất công nghiệp nông thôn.
“Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030” sẽ được đảm bảo thực hiện từ các nguồn kinh phí ngân sách nhà nước/ nguồn vốn của doanh nghiệp/ nguồn vốn tài trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Hàng năm, các Bộ, ngành liên quan căn cứ vào nhiệm vụ được giao, tiến hành xây dựng Kế hoạch hoạt động, lập dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương cũng như huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, thực hiện hoạt động phát triển, thúc đẩy phát triển chế biến thủy sản địa phương./.
Nguồn: Phòng Khai thác và PTNLTS
(Theo Ngọc Thúy – FICen – Trung tâm thông tin thủy sản)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
qc tc
ql cs
pmsh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập82
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm80
  • Hôm nay11,832
  • Tháng hiện tại425,045
  • Tổng lượt truy cập14,783,273
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây