Sau khi Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 và Quyết định số 3475/QĐ-BNN-TCTS ngày 30/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, để triển khai kịp thời và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1328/QĐ-UBND ngày 24/4/2019 Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tỉnh Nghệ An đến năm 2025.
Sau 03 năm triển khai thực hiện Quyết định, trong lĩnh vực Nuôi trồng thủy sản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Để đạt được những kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT đã đề ra các giải pháp thực hiện, sư nỗ lực phấn đấu của đơn vị và phối hợp nhiệt tình của UBND các huyện trên địa bàn.
Kết quả thực hiện các giải pháp đề ra trong thời gian qua:
a. Về khoa học công nghệ và khuyến ngư
* Về khoa học công nghệ
Hiện nay công tác ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản ngày càng được quan tâm và có những bước phát triển tốt.
- Đối với nuôi tôm thương phẩm: Nhiều mô hình áp dụng các quy trình và công nghệ tiên tiến như công nghệ sinh học, công nghệ mới, quy trình nuôi nhiều giai đoạn, nuôi tuần hoàn,... Bên cạnh đó nhiều hộ nuôi đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, xây dựng hệ thống nhà kín có mái che nhằm ổn định nhiệt, hạn chế sự lây lan mầm bệnh và hạn chế những tác động khác gây ảnh hưởng đến hoạt động nuôi tôm ...cho năng suất đạt từ 15 - 20 tấn/ha đem lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện môi trường và phát triển bền vững.
- Đối với sản xuất, ương dưỡng giống: Nhằm cung cấp cho người nuôi giống tôm thẻ chân trắng đảm bảo chất lượng Công ty TNHH Hải Tuấn, Công ty giống Việt Úc đã ứng dụng các công nghệ cao để phục vụ hoạt động sản xuất như: đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại và quy trình sản xuất tiến tiến để tạo ra con giống sạch bệnh, tăng trưởng. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất hộ gia đình hiện nay đã ứng dụng đầu tư công nghệ tiến tiến để phục vụ trong quá trình sản xuất như: đầu tư hệ thống máy siêu lọc UV để lọc nước trong quá trình sản xuất nhằm hạn chế nhiễm các mầm bệnh.
* Về công tác khuyến ngư
- Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy đinh: Đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện theo các quy định của Luật thủy sản 2017 và các văn bản liên quan; Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP); tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về sản xuất có trách nhiệm và thân thiện thiện với môi trường; khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, biện pháp quản lý tiên tiến, thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi tôm tập trung; Thay thế dần từ sử dụng hóa chất sang chế phẩm sinh học; Không sử dụng thuốc kháng sinh, chất cấm trong sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh áp dụng công nghệ mới. Hiện nay trên địa bàn đã có 72 cơ sở áp dụng mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn; 08 hộ nuôi tôm trong lồng nổi cho năng suất và sản lượng cao.
- Hàng năm các đơn vị trong ngành đã tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm tại các mô hình thành công đạt hiệu quả kinh tế cao để nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và người nuôi trồng thủy sản.
b. Tổ chức sản xuất.
Tổ chức sản xuất ngày càng hợp lý theo hình thức quản lý cộng đồng, phát triển mô hình kinh tế Hợp tác xã, liên kết chuỗi giá trị. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập được 12 tổ cộng đồng và 2 Hợp tác xã nuôi tôm.
Về hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị: trên địa bàn bước đầu đã hình thành một số công đoạn trong chuỗi sản xuất trong đó trung tâm chuỗi giá trị là Hợp tác xã, các đại lý mua bán thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Các đại lý này đứng ra đầu mối cung cấp con giống, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, hỗ trợ người nuôi trong việc kêu gọi các thương lái thu mua sản phẩm tôm nuôi.
c. Cơ chế chính sách
Nhằm thúc đẩy ngành tôm ngành càng phát triển một cách bền vững, thông qua việc khuyến khích ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 15/2018/ QĐ-UBND ngày 30/3/2018 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Đến nay đã hộ trợ cho 06 mô hình đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ áp dụng công nghệ mới về nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng.
d. Bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu
- Để nâng cao chất lượng công tác phòng, chống và cảnh báo dịch bệnh thủy sản Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành: Quyết định số 3819/QĐ-UBND ngày 21/8/2017 phê duyệt Kế hoạch giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 1968/QĐ-UBND ngày 18/6/2021 Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021 -2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Công văn số 3911 ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Sau khi các văn bản ban hành các đơn vị, địa phương liên quan triển khai kịp thời và có hiệu quả.
Bên cạnh đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạọ các đơn vị tham mưu và ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất tập trung các nội dung: Lịch vụ thả nuôi; hướng dẫn biện pháp phòng chống nắng, phòng chống rét và phòng, chống dịch bệnh thủy sản; hướng dẫn triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản liên quan.
- Định kỳ hàng tháng đã tiến hành lấy mẫu tôm nuôi, giáp xác ở kênh cấp và mẫu nước ở sông, kênh cấp đại diện cho các vùng nuôi tôm tập trung để kiểm tra chỉ tiêu môi trường và mầm bệnh. Sau khi có kết quả kiểm tra đã thông báo kịp thời đến vùng nuôi để người dân có phương án sản xuất phù hợp.
e. Thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm nước lợ:
Các giải pháp đã triển khai hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm:
- Trước đây, được sự hỗ trợ Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) Nghệ An, Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiến hành các hoạt động sau:
+ Tiến hành khảo sát cập nhật thông tin chi tiết về 45 cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thu mua và chế biến thủy sản tại 07 tỉnh các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình phổ biến đến tận các tổ cộng đồng, người nuôi.
+ Tổ chức cho người dân trong vùng nuôi tôm an toàn sinh học tham quan, tìm hiểu các công ty chế biến thuỷ sản tại các tỉnh nam trung bộ nhằm tạo ra cầu nối cho người nông dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc, trao đổi thông tin, nhu cầu và nguyện vọng của nhau nhằm xây dựng được thương hiệu và thị trường tiêu thụ tôm nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An thuận lợi, ổn định.
PHÒNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN