Tính đến ngày 31/5/2022 toàn tỉnh có 3.423 tàu, trong đó Nghề lưới Rê 1.620 tàu, nghề lưới Chụp 588 tàu, nghề lưới Vây, xăm 152 tàu, nghề lưới Kéo 706 tàu, nghề khác 358 tàu, với 17.045 lao động trực tiếp trên tàu. Trong thời gian từ năm 2021 trở về trước các nghề khai thác hiệu quả, sản lượng ổn định, thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống của cộng đồng ngư dân.
Ảnh: Tàu cá nằm bờ tại lạch Quèn ngày 20/6
Tuy nhiên, năm 2021, đặc biệt là những tháng đầu năm 2022 giá xăng dầu liên tục tăng cao (tăng khoảng 50% so với thời điểm ngày 31/12/2021) kéo các dịch vụ khác tăng theo; chi phí trung bình mỗi chuyến biển bao gồm (dầu diesel, đá, lương thuyền viên, lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ) tăng lên từ 40-60 triệu đồng so với năm 2021.
Ảnh: Tàu cá nằm bờ ở lạch Cờn
Bên cạnh đó ngư trường khai thác thủy sản bị thu hẹp (do Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã hết hiệu lực từ ngày 30/6/2020); nguồn lợi đang suy giảm nghiêm trọng; dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các kênh phân phối sản phẩm thủy sản bị ảnh hưởng; giá sản phẩm thủy sản khai thác không tăng; tình trạng thiếu lao động thường xuyên xẩy ra nên thu nhập bình quân lao động giảm còn 1-2 triệu đồng/người/tháng; dẫn đến khoảng 30-40% tàu cá nằm bờ, một số bán, giải bản, đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Ảnh: Nỗi lo lớn nhất của ngư dân hiện nay là chi phí nhiên liệu và nguồn lợi thủy sản bị suy giảm
Ở lần điều chỉnh gần nhất ngày 13/6/2022, giá xăng tăng gần 1000/lít, giá dầu đồng loạt tăng mạnh từ 2.400 đồng đến hơn 2.600 đồng/lít, đẩy giá dầu tăng lên gần 30.000 đ/lít. Trong khi đó đối với khai thác thủy sản, nhiên liệu chiếm đến 60% chi phí cho mỗi chuyến ra khơi, nên giá xăng dầu tăng như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khai thác, bám biển của ngư dân./.
Phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản