Những năm gần đây, phong trào nuôi trồng thuỷ sản trên các hồ thuỷ lợi, thuỷ điện đã có những phát triển tích cực dưới nhiều loại hình và phương thức nuôi như nuôi lồng bè, nuôi thả tự nhiên với đối tượng nuôi đa dạng từ các loài cá truyền thống cá trắm cỏ, cá chép, cá diêu hồng,… đến các loài đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá chiên, cá lăng nha, cá trắm đen,...
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 1.083 hồ chứa, trong đó, có 22 hồ chứa thuỷ điện và 1.061 hồ chứa thuỷ lợi các loại, phân bố trên 19 huyện thị. Các hồ chứa nước này có vai trò quan trọng trong sản xuất điện, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và cấp nước sinh hoạt; đồng thời còn mang lại lợi ích kinh tế thông qua các hoạt động khác như du lịch, cung cấp nguồn thực phẩm tại chỗ, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho các cộng đồng người dân sống gần hồ thông qua hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Ảnh: Nuôi thuỷ sản lồng bè trên hồ thuỷ điện Hủa Na của một hộ dân
Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự năng động, cần cù, chịu khó của bà con xung quanh khu vực lòng hồ, phong trào nuôi trồng thuỷ sản trên các hồ chứa đã có những bước phát triển tích cực, giúp cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm, bước đầu mang lại thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế , góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân sở tại và các vùng lân cận.
Theo số liệu tổng hợp từ Chi cục Thuỷ sản, năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 6.957 ha nuôi cá mặt nước lớn và gần 2.000 lồng bè nuôi thuỷ sản các loại trên các hồ chứa với sản lượng 8.734 tấn, chiếm gần 19% tổng sản lượng thuỷ sản nuôi nước ngọt toàn tỉnh.
Ảnh: Nuôi cá diêu hồng thâm canh trên hồ chứa
Tuy có những bước đột phá đáng khích lệ, tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như nuôi manh mún, nhỏ lẻ, chưa kết hợp được hài hoà với mục đích thủy lợi, thủy điện của hồ chứa; việc tổ chức, quản lý nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong hồ còn chưa được coi trọng; người dân địa phương đa phần kinh tế khó khăn nên khả năng đầu tư sản xuất thấp, chưa có sự đầu tư đồng loạt, chưa tận dụng, khai thác hết tiềm năng diện tích mặt nước hiện có một cách hiệu quả và bền vững.
Ông Trần Xuân Quang, Trưởng phòng Nuôi trồng thuỷ sản - Chi cục Thuỷ sản Nghệ An cho biết, Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng hồ chứa lớn trong cả nước, việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa đang là nội dung được Lãnh đạo tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, chỉ đạo. Hiện nay, Chi cục đang tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa của tỉnh Nghệ An đến năm 2030 nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế trên các hồ chứa, đồng thời tăng sản lượng nuôi trồng, kiểm soát sản lượng khai thác thuỷ sản./.
Cảnh Hoàng - Phòng Nuôi trồng thủy sản