“THẺ VÀNG” CƠ HỘI RẤT LỚN CHO NGÀNH THỦY SẢN VIỆT NAM

Thứ sáu - 08/09/2023 05:53 411 0
Nỗ lực và quyết tâm tháo gỡ "thẻ vàng” về khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) trong thời gian qua chính là động lực lớn để nước ta sắp xếp lại nghề khai thác thủy sản theo hướng phát triển bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện này.
Kể từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, từ ngày 23/10/2017 đến nay đã gần 6 năm để Việt Nam triển khai tháo gỡ. Ông có thể cho biết, kể từ đó đến nay, lĩnh vực khai thác thủy sản của nước ta đã có những chuyển biến ra sao?
Phải nói rằng “thẻ vàng” của EC là cơ hội rất lớn cho ngành thủy sản Việt Nam nói chung và lĩnh vực khai thác thủy sản nói riêng. Chúng ta đã thúc đẩy nhanh hơn, cải thiện cũng như sắp xếp lại nghề khai thác thủy sản theo hướng phát triển bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã triển khai gỡ cảnh báo “thẻ vàng” gần 6 năm, về cơ bản đã hoàn thiện khung pháp lý như rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản năm 2017 và 2 Nghị định, 8 Thông tư. Trong các văn bản quy phạm pháp luật  này đã định hướng ngành khai thác thủy sản phát triển một cách bền vững, có trách nhiệm, đồng thời đáp ứng các quy định của quốc tế cũng như của EC.  
Công tác quản lý đội tàu đến nay đã cải thiện đáng kể. Hiện nay tất cả số lượng tàu cá và cơ cấu ngành, nghề của tàu cá khai thác thủy sản trên cả nước đã được số hóa, cập nhật vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Quản lý toàn quốc cũng như các tỉnh, thành có thể truy cập thường xuyên và cập nhật tình hình quản lý tàu cá.
Với công tác quản lý tàu cá khai thác trên biển, trước đây tàu cá khai thác đi đâu trên biển rộng lớn chúng ta không thể biết, nhưng bây giờ đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đối với những tàu cá từ 15 m trở lên, khoảng 30.000 tàu. Theo đó, tất cả tàu cá hoạt động khai thác trên biển đã lắp đặt VMS chúng ta có thể giám sát các hoạt động khai thác trên biển để đảm bảo tính hợp pháp.
Thêm một vấn đề nữa là hiện nay chúng ta cũng đang triển khai rất tích cực việc kiểm soát nghề cá tại cảng, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến cũng như kiểm soát sản lượng trên bến. Những nhiệm vụ này trước đây làm rất ít, chưa có hệ thống, tuy nhiên đến nay về cơ bản 28 tỉnh, thành phố ven biển đã triển khai đồng loạt, bước đầu đi vào nề nếp rất tốt.
Liên quan đến công tác truy xuất nguồn gốc, trước đây khi xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và thị trường khác, chúng ta ít quan tâm đến công tác truy xuất nguồn gốc từ lúc tàu xuất bến đến khi hoạt động khai thác trên biển, cập cảng, kiểm soát sản lượng đến các nhà máy và xuất khẩu, nhưng hiện nay công tác này đã được triển khai tương đối đồng bộ ở các tỉnh, thành phố ven biển.
Về vấn đề thực thi pháp luật, trên cơ sở Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định 26, Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính như hiện nay, các tỉnh và các lực lượng thực thi pháp luật (lực lượng Kiểm ngư, cảnh sát biển, biên phòng, cảnh sát giao thông…) cũng đã triển khai tương đối đồng bộ, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp. Nhiệm vụ này hiện đang được tăng cường nhằm đảm bảo tính răn đe bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến pháp luật.
Đây là những nội dung cơ bản mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua. Có thể nói đã có những chuyển biến tích cực và được phía EC đánh giá rất cao, ghi nhận những quyết tâm chính trị của chúng ta. Và chúng ta đang đi một cách rất đúng hướng để triển khai chống khai thác IUU cũng như hướng tới khai thác bền vững.
Trong 4 nhóm khuyến nghị mà EC đưa ra về IUU, gồm: Khung pháp lý; quản lý đội tàu; công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật thì nhóm khuyến nghị nào đang là trở ngại lớn nhất trong việc tháo gỡ “thẻ vàng”, thưa ông?
Trong 4 nhóm khuyến nghị của EC, gần như tất cả đều rất quan trọng. Nhóm thứ nhất là khung pháp lý, đây là căn cứ pháp lý để triển khai khai thác bền vững. Đến thời điểm này về cơ bản chúng ta đã hoàn thiện, tuy nhiên khi triển khai thực tiễn phải rà soát, sửa đổi bổ sung nhằm đảm bảo thực thi pháp luật cũng như tính thực tiễn đối với nghề cá Việt Nam. Hiện công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật đang được Bộ NN-PTNT hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét lại.
Nhóm thứ hai là quản lý tàu cá, mặc dù cho đến nay nhóm này đã có nhiều tiến bộ nhưng với số lượng tàu cá rất lớn, khoảng 86.600 tàu, hơn nữa số lượng tàu cá khai thác vùng khơi cũng rất lớn, khoảng trên 30.000 tàu, chính vì thế nên công tác quản lý tàu cá cần phải tiếp tục được rà soát để 100% tàu cá khai thác trên biển đảm bảo tính hợp pháp, đầy đủ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, lắp đặt VMS và đánh dấu tàu cá. Hiện cơ bản việc lắp đặt thiết bị VMS ở các tỉnh đều đạt trên 95%, còn một lượng nhỏ cần tiếp tục hoàn thiện. Khâu quản lý tàu cá và quản lý đội tàu là một trong những trọng tâm của công tác chống khai thác IUU cũng như quản lý nghề cá.
Nhóm thứ ba là công tác truy xuất nguồn gốc, hiện đã từng bước hoàn thiện và cải thiện rất nhiều, tuy nhiên qua kiểm tra thực tế tại địa phương vẫn còn một số cảng cá, một số doanh nghiệp có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ, chưa đảm bảo đủ độ tin cậy khi xuất khẩu sang một số thị trường châu Âu và một số thị trường khác. Về vấn đề này, Bộ NN-PTNT đã rà soát chỉ đạo các địa phương cũng như các doanh nghiệp chung tay cần minh bạch hơn trong việc truy xuất nguồn gốc.
Về nhóm khuyến nghị thứ tư là thực thi pháp luật thủy sản và xử lý vi phạm hành chính, với một vùng biển rộng lớn, số lượng tàu cá rất nhiều, việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trên biển cũng rất khó khăn. Đầu tiên là khó khăn trong việc tìm đủ hồ sơ, chứng cứ để đưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Sau đó, tính tới hiện tại, số lượng vụ vi phạm của bà con ngư dân đang lớn hơn rất nhiều so với số lượng mà chúng ta đang xử phạt hành chính, đặc biệt là các hành vi không duy trì thiết bị VMS, cũng như tình trạng mất kết nối dài ngày trên biển. Còn rất nhiều trường hợp chưa lập hồ sơ và chưa xử phạt vi phạm hành chính.
Và còn một vấn đề “nóng nhất” hiện nay là vẫn còn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài. Tính từ tháng 10/2022 đến nay vẫn còn 27 tàu cá, 132 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ xử lý. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, vẫn còn 4 tàu cá và 84 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ xử lý. Đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ cũng như Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương, các lực lượng thực thi pháp luật từ nay đến tháng 10 tới phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài để phấn đấu có thể gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” của EC.

“Nóng” và “đau đầu” nhất hiện nay như ông chia sẻ là vấn đề tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Vậy, theo ông, chúng ta cần phải làm gì để chấm dứt tình trạng này?
Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã rất nỗ lực, các lực lượng thực thi pháp luật cũng như các địa phương, rồi bằng các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thì số lượng vụ vi phạm giảm đi rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài thì khả năng gỡ “thẻ vàng” sẽ rất thấp.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cũng như Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, đặc biệt là những vùng giáp ranh với các nước trong khu vực Biển Đông để có những giải pháp hiệu quả hơn nữa, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Cùng đó là nêu cao vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục cũng như vận động ngư dân và có những giải pháp ở trong bờ để ngư dân nhận thức được để không có ý định hoặc không đi khai thác ở vùng biển nước ngoài. Kết hợp với việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển, chúng ta sẽ tiến tới giảm thiểu và từng bước chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2023/08/04/2941-the-vang-iuu-la-co-hoi-sap-xep-lai-nghe-khai-thac-thuy-san-072925_475.jpg

Việc lắp đặt thiết bị VMS dù đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều trở ngại, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này cũng như những giải pháp để khắc phục?
Chúng ta đã triển khai việc lắp đặt thiết bị VMS cho tàu cá rất tốt. Với một nghề cá truyền thống, bà con ngư dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã triển khai đồng bộ trên cả nước. Hiện nay tỷ lệ lắp đặt thiết bị VMS đã đạt trên 97%, khoảng 3% số lượng tàu cá chưa lắp đặt, trong đó có một số tàu cá không đi khai thác, một số tàu chìm đắm... Vấn đề này đã được Bộ NN-PTNT giao các tỉnh phải quản lý chặt để những tàu cá này không đi khai thác bất hợp pháp trên biển.
Đặc biệt hiện nay tình trạng mất kết nối của thiết bị VMS vẫn diễn ra rất phổ biến. Có 2 nguyên nhân, một là do khách quan, đường truyền vệ tinh; do trong quá trình vận hành trên biển các thiết bị VMS có thể bị hỏng hóc hoặc trục trặc. Hai là do ý thức chấp hành pháp luật của bà con ngư dân. Một số bà con ngư dân trong quá trình khai thác trên biển cố tình không duy trì thiết bị VMS cũng như tắt máy để có những hành vi khai thác bất hợp pháp. Hiện tượng này diễn ra tương đối nhiều.
Theo đó, về giải pháp, thời gian tới, Bộ NN-PTNT đã xây dựng quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam cho thiết bị VMS. Điều này sẽ giảm thiểu được những lỗi do thiết bị VMS gây ra, đặc biệt là thông suốt trong sóng vệ tinh để các thiết bị VMS đảm bảo trong quá trình vận hành trên biển.
Hiện nay hệ thống giám sát thiết bị VMS quản lý một cách thống nhất từ trung ương đến địa phương, các lực lượng thực thi pháp luật có thể chia sẻ thông tin, theo dõi trên màn hình để làm sao khi ngư dân không duy trì hoặc cố tình không duy trì sẽ có những biện pháp kiểm soát, quản lý và xử phạt vi phạm hành chính nghiêm minh nhằm đảm bảo tính răn đe.
Nếu toàn bộ thiết bị VMS được bật liên tục 24/24 h trên biển thì sẽ giám sát được toàn bộ hoạt động nghề cá trên biển, sẽ đảm bảo được công tác truy xuất nguồn gốc, giám sát được hoạt động khai thác đánh bắt trên biển cũng như công tác quản lý nghề cá được thông suốt.
Liệu trong lần thanh tra thứ 4 dự kiến vào tháng 10/2023 này, chúng ta có thể gỡ được “thẻ vàng” IUU không, thưa ông?
Với quyết tâm trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ các cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phải nói chúng ta phấn đấu và mong muốn tháng 10 tới sẽ gỡ được cảnh báo “thẻ vàng”. Tuy nhiên từ nay đến tháng 10, còn khoảng 4 tháng thì chúng ta phải quyết tâm rất lớn mới mong gỡ được cảnh báo “thẻ vàng”.
Thứ nhất, phải làm sao có những giải pháp mạnh để chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài, ít nhất từ nay đến tháng 10 không có thêm tàu cá vi phạm.
Thứ hai, phải hoàn thiện công tác quản lý tàu cá, công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác và quản lý chặt chẽ các nhóm tàu chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS cũng như giấy phép đăng ký khai thác.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng như các cảng cá phải chung tay cùng với Bộ NN-PTNT cũng như các bộ, ngành để công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm soát sản lượng lên bến, cũng như tàu cá ra vào cảng đảm bảo tính pháp lý, đảm bảo đủ độ tin cậy và không hợp thức hóa hồ sơ.
Đối với thực thi pháp luật, phải rà soát tất cả hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp trong thời gian vừa qua để xử phạt vi phạm hành chính. Đối với các hành vi mới cũng phải được xử lý nghiêm minh nhằm đảm bảo tính răn đe và hạn chế dần những khai thác bất hợp pháp.
Với 4 nhóm giải pháp như vậy, chúng ta quyết tâm, nỗ lực thì mới gỡ được cảnh báo “thẻ vàng”, còn nếu không sẽ rất khó khăn trong việc thuyết minh, thuyết trình với EC và gỡ “thẻ vàng”.
https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2023/07/09/the-vang-iuu-la-co-hoi-sap-xep-lai-nghe-khai-thac-thuy-san-161736_388.jpg

Ông có thể cho biết thêm về những định hướng trong lĩnh vực khai thác thủy sản nước ta thời gian tới nhằm hướng đến mục tiêu bền vững, có trách nhiệm?

Lĩnh vực khai thác thủy sản trong thời gian tới sẽ có một số định hướng mới. Thứ nhất là triển khai hàng loạt Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Đề án khai thác thủy sản bền vững đã được Chính phủ phê duyệt; Đề án chuyển đổi nghề khai thác thủy sản…, kết hợp cùng đó là triển khai một loạt công tác bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi sinh kế cho bà con ngư dân, chuyển đổi sang các nghề thân thiện hơn. Đặc biệt, trong định hướng đó, chúng ta sẽ giảm dần cường lực khai thác, giảm dần số lượng tàu cá khai thác, dự kiến đến năm 2025 còn 82.000 tàu cá, năm 2030 phấn đấu chỉ còn 70.000 - 72.000 tàu cá. Như vậy mới tương đối cân bằng với trữ lượng nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên để khai thác một cách bền vững, duy trì nguồn lợi thủy sản lâu dài.
Bên cạnh đó, cũng sẽ chuyển đổi một số nghề khai thác xâm hại đến môi trường, như: Nghề lưới kéo, nghề te… sang các nghề khai thác thân thiện hơn hoặc chuyển đổi sinh kế cho bà con ngư dân sang nuôi trồng thủy sản hoặc các nghề dịch vụ khác để giảm dần áp lực khai thác trên biển.
Một vấn đề nữa là trong Nghị định 67 cũng đã có những chế độ chính sách cho bà con ngư dân, cũng như ngành khai thác thủy sản để chúng ta có những hoạt động khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững hơn.
Ngoài ra sẽ phải đầu tư, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn trung hạn để các cảng cá đáp ứng được những yêu cầu về quản lý nghề cá tại cảng cũng như công tác truy xuất nguồn gốc và một loạt các vấn đề liên quan đến quản lý nghề cá.
          Phòng QLTC & CSDVHCNC - Dẫn nguồn Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tác giả: Cán bộ 1

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
qc tc
ql cs
pmsh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay7,076
  • Tháng hiện tại309,774
  • Tổng lượt truy cập13,703,300
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây