Hiện nay, Nghệ An có hơn 2.500 ha nuôi mặn lợ, trong đó có gần 2.300 ha nuôi tôm. Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của người dân, chính quyền các cấp và những chính sách trong phát triển nuôi trồng thủy sản mặn lợ trên địa bàn tỉnh, nghề nuôi tôm đã đạt có mức tăng trưởng cao và đạt được nhiều thành tựa nổi bật.
Ảnh: Ốc Hương được nuôi trong ao tôm
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, môi trường nuôi tôm có nhiều biến động do biến đổi khí hậu, tình hình bệnh tôm có chiều hướng gia tăng và chưa có biện pháp hữu hiệu điều trị khiến cho hiệu quả sản xuất giảm thấp đáng kể.
Ảnh: Ao nuôi ốc Hương thương phẩm trong ao nuôi tôm kém hiệu quả
Để nâng cao hiệu quả sản xuất trên những diện tích nuôi mặn lợ, đa dạng hóa đối tượng nuôi, góp phần tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng bền vững đồng thời duy trì và bảo vệ nguồn lợi tự nhiên; được sự đồng ý của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản Nghệ An đã triển khai xây dựng thành công mô hình “Nuôi ốc Hương thương phẩm trong ao đất lót bạt gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An”.
Trên diện tích 6.000 m2, với sự hỗ trợ và hướng dẫn của cán bộ Chi cục Thủy sản, ông Mạch Mạnh Cường đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo 2 ao đất từ nuôi tôm thẻ chân trắng kém hiệu quả sang nuôi Ốc hương. Qua thời gian chăm sóc và theo dõi, Ốc hương đã thích ứng với điều kiện môi trường, phát triển tốt trong điều kiện chăm sóc tại địa phương. Từ 1.500.000 Ốc hương giống thả xuống ao, sau thời gian hơn 5 tháng nuôi, với tỷ lệ sống là 60%, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) 2,2, kích cỡ thu hoạch 110 con/kg, giá bán 200.000/kg, ông Cường đã thu được 8.180 kg Ốc hương thương phẩm, doanh thu 1,636 tỷ đồng, lợi nhuận sau thu hoạch đạt trên 860 triệu đồng.
Ảnh: Thu tỉa Ốc hương để bán
Ốc hương là loài động vật chân bụng phân bố chủ yếu ở vùng biển nhiệt đới, độ sâu từ 5 - 20 m nước, chất đáy cát hoặc bùn cát pha lẫn vỏ động vật thân mềm; Khu vực ốc hương phân bố thường cách xa bờ 2-3km, có nhiệt độ nước từ 12-35 oC, độ mặn: 20 - 40%o, pH: 6-9, oxy hoà tan: 4 - 6 mg/l,…Khó khăn trong quá trình nuôi tại mô hình là có thời điểm thời tiết nắng nóng quá mức làm cho nhiệt độ nước tăng, độ mặn lên cao; Cùng với đó, thời gian nuôi dài, thức ăn cho Ốc là thức ăn tươi sống (không qua chế biến), dẫn đến ô nhiễm hữu cơ trong ao nuôi tăng lên theo thời gian ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của Ốc.
Ảnh: Thu hoạch Ốc hương đại trà
Có thể khẳng định Ốc hương là đối tượng nuôi mới, hoàn toàn thích nghi được với điều kiện nuôi trồng tại phần lớn các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Mô hình nuôi Ốc hương thương phẩm trong ao nuôi tôm kém hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm được xây dựng thành công là tiền đề để người dân tiếp cận, mở ra hướng đi mới và hình thành phương thức sản xuất mới trong những vùng nuôi tôm kém hiệu quả trên địa bàn để chuyển đổi sang một đối tượng nuôi mới tiềm năng, có hiệu quả kinh tế, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT Nghệ An theo hướng nần cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: Cảnh Hoàng – Phòng Nuôi trồng thủy sản