Kết quả thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), khắc phục cảnh báo “Thẻ Vàng” của Ủy ban Châu Âu trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2020 và một số nhiệm vụ trọng tâm cần t

Thứ ba - 22/12/2020 22:14 953 0
Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh cùng với sự nỗ lực của các Sở, ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã ven biển và sự đồng thuận của ngư dân nên trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã đạt được một số kết quả nhất định. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017 và các Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành một cách thường xuyên và dưới nhiều hình thức cũng đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành của bà con ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản. Công tác phối hợp giữa các đơn vị được tăng cường, thường xuyên giám sát tàu cá ra, vào tại các cửa lạch/cảng cá; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; 100% tàu cá trên 24m của Nghệ An đã được lắp hệ thống giám sát hành trình. Qua đó đã kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nghề cá, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác IUU của tàu cá trong tỉnh.

Nhìn lại một năm qua, với việc triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách, công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhằm tháo gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được một số kết quả cụ thể như:

Trong công tác tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tham mưu trình UBND tỉnh Nghệ An ban hành 12 văn bản để chỉ đạo, điều hành trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định: Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 06/01/2020 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 13/01/2020 về việc ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Quyết định số 18/2020/QĐ-UBND ngày 3/7/2020 Ban hành Quy định tiêu chí đặc thù và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trên biển thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 về chính sách hỗ trợ kinh phí mua, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình và cước phí thuê bao dịch vụ cho thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Kế hoạch số 561/KH-UBND ngày 03/10/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 4119/QĐ-UBND ngày 18/11/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về việc công bố mở Cảng cá Quỳnh Phương; Quyết định số 4120/QĐ-UBND ngày 18/11/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về việc công bố mở cảng cá Cửa Hội.

Song song với việc tham mưu, ban hành các văn bản thì công tác kiểm tra, chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu luôn được các cấp, các ngành chú trọng. Trong năm 2020, Sở Nông nghiệp đã thành lập 04 Đoàn kiểm tra các Tổ công tác liên ngành thanh tra, kiểm soát nghề cá và các cảng cá Quỳnh Phương, Lạch Quèn, Lạch Vạn, Cửa Hội; thành lập 10 Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển ven bờ, vùng lộng biển Nghệ An theo Kế hoạch số 1391/KH-SNN.TS ngày 08/5/2020 của Sở Nông nghiệp & PTNT; định kỳ hàng tháng, Sở Nông nghiệp và PTNT (cơ quan thường trực) đều tiến hành kiểm tra các Tổ Thanh tra, kiểm soát nghề cá và các cảng cá; hàng quý kiểm tra và làm việc với UBND các huyện, thị về công tác khắc phục các khuyến nghị của EC; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các lực lượng triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác IUU, đặc biệt là triển khai thực hiện Kế hoạch số 1099/KH-BCH ngày 28/4/2020 của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An xây dựng về mở đợt cao điểm tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và tại các cửa sông, cửa lạch khu vực biển giới tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh đó, để các văn bản, quy định của nhà nước được quán triệt một cách sâu rộng đến các đối tượng như cán bộ phụ trách tại các xã/phường và bà con ngư dân, Sở Nông ghiệp & PTNT đã chỉ đạo các đơn vị tích cực tuyên truyền phổ biến Luật Thủy sản 2017, các văn bản hướng dẫn và các quy định về khai thác IUU thông qua các hình thức: tổ chức 16 lớp tập huấn Luật Thủy sản 2017 và các văn bản liên quan với 1.420 người tham dự; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Biển Đông, Hải đảo tỉnh Nghệ An tổ chức 05 lớp Tập huấn Luật TS 2017 và  Khai thác bất hợp pháp, không báo cáo không theo quy định (IUU) với tổng số 1.250 người tham dự; phát 1.000 tờ rơi tuyên truyền về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, công tác cứu hộ, cứu nạn, xử lý các tình huống xẩy ra trên biển và thông tin đường dây nóng nhằm hỗ trợ ngư dân trong việc nắm bắt các quy định về đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định cũng như tham gia bảo vệ chủ quyền, biên giới hải đảo của Việt Nam; phối hợp hiệp hội VASEP về việc đăng Video Clip tuyên truyền cho ngư dân và chủ tàu cá về IUU và quy định lao động trẻ em; phát 280 tờ rơi tuyên truyền về quy định IUU và quy định lao động trẻ em trong ngành khai thác hải sản.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nên một số hoạt động đã đạt được những kết quả nhất định.

Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển là thiết bị giám sát hành trình đã lắp trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 1.127/1.218 chiếc, đạt tỷ lệ 92,52%. Hiện tại đang còn 91 tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m chưa lắp thiết bị giám sát hành trình (Lý do: 26 tàu bán khỏi địa phương, 03 tàu đang cải hoán, 55 tàu nằm bờ không đi sản xuất, 01 tàu hỏng, chờ giải bản, 06 tàu bị ngân hàng thu giữ). Những tàu cá đã lắp giám sát hành trình được giám sát trong quá trình hoạt động khai thác hải sản trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá đặt tại Trạm Bờ Chi cục Thủy sản/Tổng cục Thủy sản. Qua theo dõi đã kịp thời phát hiện cảnh báo các tình huống xảy ra trên biển cho các chủ tàu/thuyền trưởng được biết nhằm đảm bảo hoạt động tàu cá không vi phạm các quy định về khai thác IUU.

Để hỗ trợ cho các chủ tàu thực hiện đầy đủ quy định về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình góp phần khắc phục ”Thẻ Vàng”, ngày 22/7/2020 Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND, theo đó ngư dân được hỗ trợ 50% kinh phí mua và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (không quá 8.750.000 đồng); hỗ trợ 50% cước phí duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình tàu cá (không quá 120.000đ/tàu/tháng) đến năm 2025. Đến nay, Chi cục Thủy sản đã tiếp nhận và kiểm tra được 450 bộ hồ sơ đủ điều kiện, số hồ sơ không đủ điều kiện Chi cục đã trả lại hồ sơ và hướng dẫn các chủ tàu hoàn thiện đầy đủ theo quy định. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị Quyết 02/2020/NQ-HĐND vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản rà soát và đề nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 bổ sung khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 2/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020.

Công tác giám sát sản lượng bốc dỡ hàng hóa qua cảng đã được Ban quản lý Cảng cá Nghệ An thực hiện nghiêm túc và hiệu quả hơn. Tỷ lệ giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng trong năm 2020 đạt khoảng 50-60% sản lượng qua cảng, tỷ lệ thông báo của ngư dân trước khi tàu cá cập cảng hoặc rời cảng tại các Cảng cá trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 70-80%. Việc ghi, nộp nhật ký của ngư dân sau khi khai thác cũng dần được cải thiện, ngư dân đã chủ động ghi nhật ký khai thác, nộp cho cảng cá kịp thời. Cảng cá đã thực hiện việc tiếp nhận và kiểm tra các thông tin trong nhật ký khai thác, đảm bảo nhật ký khai thác đầy đủ đúng theo quy định. Số tàu cập cảng có 70 - 80% ghi và nộp nhật ký khai thác theo quy định, số tàu không cập cảng có 30 - 50% ghi và nộp nhật ký cho cảng cá.

Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác được thực hiện tại 03 cảng cá (Cảng cá Cửa Hội, Cảng cá lạch Vạn và Cảng cá lạch Quèn) được chỉ định để xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác (tại Quyết định số 988/QĐ-BNN-TCTS ngày 26/3/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công bố danh sách cảng cá được chỉ  định để xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác). Tuy nhiên, Quyết định số 988/QĐ-BNN-TCTS ngày 26/3/2019 của Bộ Nông nghiệp & PTNT đã hết hiệu lực từ ngày 30/9/2020. Ngày 18/11/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 4119/QĐ-UBND về việc công bố mở Cảng cá Quỳnh Phương và Quyết định số 4120/QĐ-UBND về việc công bố mở cảng cá Cửa Hội. Trên cơ sở đó, ngày 25/11/2020, tại Công văn số 3994/SNN-TS Sở Nông nghiệp & PTNT đã đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT công bố Cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng và Cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác khác.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định được triển khai đồng bộ. Đối với các tàu cá hoạt động trên biển, Chi cục Thủy sản đã thành lập 10 Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển ven bờ, vùng lộng biển Nghệ An với thành phần đoàn tham gia: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thanh tra Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Thông tin và truyền thông, Báo Nghệ An, Đài truyền hình Nghệ An, Chi cục Thủy sản và đại diện UBND các huyện thị ven biển. Bên cạnh đó, sau khi tiếp nhận thông tin đường dây nóng, Chi cục đã tổ chức nhiều cuộc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển đột xuất và thu được nhiều kết quả nhất định, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Kết quả năm 2020 đã thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển 304 chuyến/304 ngày công tác. Kiểm tra được 3.353 lượt phương tiện. Qua đó đã phát hiện xử phạt vi phạm hành chính đối 86 vụ/86 đối tượng/86 phương tiện với tổng số tiền phạt: 676.100.000 đồng. Trong đó Chi cục Thủy sản xử phạt 78 vụ/78 đối tượng/78 phương tiện với tổng số tiền phạt: 624.800.000 đồng, bàn giao các Đồn Biên phòng tuyến xử phạt 8 vụ/8 đối tượng/8 phương tiện với tổng số tiền: 51,3 triệu đồng. Tang vật tịch thu: 04 chiếc kích điện, 04 lưới kéo, 80m dây điện.

Các đồn Biên phòng và Hải đội 2 tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát vùng biển được 340 đợt/1.635 lượt cán bộ chiến sỹ; phối hợp với các lực lượng tuần tra kiểm soát vùng biển được 64 đợt/414 lượt CBCS tham gia. Kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập tại cửa sông cửa lạch và tại bến đậu, bãi ngang được 67.893 lượt phương tiện/316.659 lượt người. Qua công tác tuần tra đã phát hiện xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực Thủy sản: 254 vụ/254 đối tượng/254 phương tiện xử phạt vi phạm hành chính 999.100.000 đồng, tang vật thu giữ: 50 lồng bát quái, 14 bộ kích điện, 40m dây điện, 01 bộ lưới.

Tại các cảng cá, các Tổ công tác Liên ngành thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên; kiểm tra, kiểm soát 5 - 10% đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24m khi tàu cập cảng, rời cảng, đạt yêu cầu theo quy định tại Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT. Trong năm 2020 đã kiểm tra 2.615 lượt tàu rời cảng (trong đó: Cảng cá Lạch Quèn: 1.369 lượt tàu; Lạch Vạn: 870 lượt tàu; Cửa Hội: 226 lượt tàu; Quỳnh Phương: 150 lượt tàu). Kiểm tra 2.598 lượt tàu cá cập cảng (Cửa Hội: 217 lượt tàu; Lạch Vạn: 870 lượt tàu; Lạch Quèn: 1.375 lượt tàu; Quỳnh Phương: 136 lượt tàu) với tổng sản lượng thủy sản lên bến, cảng cá là 5.096,655 tấn (Cửa Hội: 635,918 tấn; Lạch Vạn: 95,817 tấn; Lạch Quèn: 4.150,279 tấn; Quỳnh Phương: 214,641 tấn).

Tổ Công tác liên ngành thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá Lạch Quèn đã lập biên bản vi phạm hành chính và tham mưu Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản ra quyết định xử phạt 02 vụ/02 đối tượng/02 phương tiện về hành vi không thông báo thông tin theo quy định cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi vào cảng cá theo quy định với tổng số tiền phạt: 7.000.000 đồng. Đối với các tàu cá không có đủ các trang thiết bị an toàn kỹ thuật, các Tổ lập biên bản không đủ điều kiện để rời lạch, đồng thời thông báo cho Biên phòng không cho xuất lạch đi khai thác.

Về việc xử lý đối với các tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, trên cơ sở thông báo của các cơ quan chức năng, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Bộ chỉ huy Biên phòng chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an và chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra xác minh vi phạm vùng biển Trung Quốc đối với 10 tàu cá trên địa bàn các xã Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai), xã Tiến Thủy, Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu). Qua kiểm tra, xác minh, nguyên nhân chủ yếu các tàu cá vi phạm là: Do gặp sự cố hỏng máy, trong thời gian sửa chữa tàu cá bị trôi sang vùng biển Trung Quốc; hoặc do tàu đi theo đàn cá để khai thác, không kiểm soát được tọa độ nên vô tình khai thác vào vùng biển Trung Quốc. Hình thức xử lý: cảnh cáo các chủ tàu cá vi phạm, yêu cầu cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài cũng như vi phạm các quy định khác.

Đối với những tàu cá bị mất kết nối tín hiệu thiết bị giám sát hành trình trong quá trình khai thác, Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành kiểm tra và xác minh nguyên nhân cụ thể. Qua thực tế cho thấy, hầu hết những tàu cá mất kết nối là do lỗi thiết bị (do thiết bị được movimar hỗ trợ quá cũ, tự mất tín hiệu; đối với các máy mới mua thì do hệ thống tín hiệu chưa ổn định, ý thức của người dân chưa cao ...), do đó không có cơ sở xử lý vi phạm mà chỉ yêu cầu ngư dân cam kết không ngắt kết nối trong quá trình đi khai thác.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm vừa qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: ý thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước còn hạn chế, đặc biệt là việc ghi chép nhật ký, khai báo sản lượng qua cảng, khai báo thông tin trước khi cập cảng còn thiếu và chưa đầy đủ; sự phối hợp giữa các lực lượng Thủy sản, Biên phòng, Tổ thanh tra kiểm soát nghề cá trong kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra/vào cửa lạch chưa được thường xuyên; tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra như sử dụng chất nổ, xung điện, nghề, ngư cụ cấm, khai thác sai vùng ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thiết bị Movimar được cấp đã qua sử dụng nên trong quá trình hoạt động thường xuyên bị hỏng nhưng không có nhà cung cấp linh kiện thay thế và sửa chữa; kinh phí cấp cho nhiệm vụ thực hiện IUU còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được đầy đủ các hoạt động kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá; nguồn nhân lực phục vụ cho công tác kiểm tra kiểm soát IUU chủ yếu là kiêm nghiệm, chưa đảm bảo được khối lượng công việc cần thực hiện.

Từ những kết quả đạt được và những tồn tại đã được nêu ra, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chống khai thác IUU nhằm tháo gỡ ”Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu, trong năm 2021 Nghệ An cần nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:

1. Thực hiện nghiêm túc công văn số 81-CV/TW ngày 20/3/2020 của Ban chấp hành Trung ương về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010; Công điện số 735/CĐ-TTg ngày 28/5/2017; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Kế hoạch số 610/KH-UBND ngày 18/9/2018 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. Tiếp tục tuyên truyền Luật Thủy sản 2017, các quy định về khai thác IUU cho ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan để hiểu rõ, nắm chắc và cam kết thực hiện các quy định về phòng, chống khai thác IUU. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện ký cam kết của ngư dân.

3. Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng trong hoạt động thanh tra, kiểm soát nghề cá; kiểm tra, giám sát tàu cá ra/vào cửa lạch, cảng cá; giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; tuần tra, kiểm soát hoạt động nghề cá tại các cửa lạch, trên biển và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động khai thác IUU.

4. Thiết lập và vận hành hệ thống kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh; tăng cường năng lực thanh tra, kiểm soát tàu cá; đảm bảo sản lượng khai thác lên bến được kiểm soát và xác nhận nguồn gốc tại cảng./.
Nguồn: Phòng Thanh tra, pháp chế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
qc tc
ql cs
pmsh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập126
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm120
  • Hôm nay18,627
  • Tháng hiện tại417,985
  • Tổng lượt truy cập14,776,213
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây