Hướng dẫn tăng cường quản lý phòng bệnh trong nuôi thủy sản

Thứ hai - 26/04/2021 21:16 855 0
Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, mưa nắng thất thường, biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch, môi trường ao nuôi biến động sẽ tạo điều kiện cho bệnh trên động vật thủy sản phát triển, như:  bệnh virus đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, vi bào tử trùng, đường ruột trên tôm; bệnh ký sinh trùng, vi khuẩn, virus, nấm..... trên cá nước ngọt.
Để tăng cường công tác phòng bệnh, quản lý tốt các ao nuôi, khống chế sự hình thành, phát triển dịch bệnh và giảm thiệt hại do bệnh gây ra. Chi cục Thủy sản kính đề nghị UBND các huyện/thành/thị chỉ đạo phòng Nông nghiệp&PTNT/Kinh tế thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản.
1.1. Đối với nuôi tôm mặn, lợ
a. Công tác phòng bệnh tôm
- Thường xuyên theo dõi, nắm bắt kết quả quan trắc môi trường trong và ngoài vùng nuôi tôm của các cơ quan chuyên môn để có kế hoạch lấy nước, xử lý nước phù hợp.
- Áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi của ngành đã ban hành hướng dẫn. Thực hiện công tác cải tạo ao đầm theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm loại bỏ mầm bệnh tồn dư trong ao, hạn chế dịch bệnh xảy ra, chất thải trong quá trình cải tạo ao đầm phải được xử lý, vận chuyển đến nơi đúng quy định. Đồng thời mỗi cơ sở/hộ nuôi phải bố trí ao chứa lắng để cung cấp nước khi cần thiết, nước trong ao chứa lắng phải được xử lý Chlorine nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất, thời gian xử lý 7 - 10 ngày trước khi cấp vào ao nuôi. Nước thải trước khi thải ra ngoài môi trường phải được xử lý đảm bảo và thải đúng nơi quy định.
- Con giống thả nuôi đảm bảo chất lượng. Tuyệt đối không thả nuôi các loại giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra theo quy định.
- Sử dụng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành từ những cơ sở đủ điều kiện mua bán, bổ sung các loại Vitamin, khoáng nhằm tăng sức đề kháng cho tôm. Quản lý môi trường nuôi thích hợp và ổn định.
- Thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế sự xâm nhập tác nhân gây bệnh vào ao nuôi như: Kiểm soát nguồn nước cấp, rào lưới xung quanh bờ ao, dụng cụ, thiết bị không được dùng chung giữa các ao nuôi và được tiêu độc khử trùng sau mỗi đợt sử dụng.
b.  Theo dõi, giám sát xử lý ao nuôi tôm:
- Thường xuyên kiểm tra ao nuôi, khuyến cáo các hộ nuôi lấy mẫu tôm kiểm tra định kỳ để có biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Đối với ao nuôi từng bị bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính nên chủ động thu mẫu giáp xác, nước, bùn đáy xét nghiệm bệnh trước khi thả nuôi mới.
- Khi phát hiện tôm nuôi có dấu hiệu mắc bệnh, chết bất thường phải báo ngay HTX, tổ cộng đồng và cơ quan Thú y lấy mẫu xét nghiệm. Nếu tôm nuôi bị nhiễm các loại bệnh nguy hiểm yêu cầu hộ nuôi phải thực hiện biện pháp xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chức năng như: Không xả tôm chết, nước ao nuôi, chất thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu ra ngoài môi trường. Dùng vôi bột rải bờ ao của ao nuôi bị bệnh và vùng phụ cận để hạn chế vật chủ trung gian lây truyền bệnh (vôi khối 5 - 7 tấn/ha); Dùng Chlorine đảm bảo theo hướng dẫn của nhà sản xuất, thời gian xử lý 7 - 10 ngày đối với ao nuôi bị bệnh đốm Trắng, gan tụy cấp.
1.2. Đối với nuôi cá nước ngọt.
Trong giai đoạn giao mùa vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè (tháng 3 - 5), mùa thu (tháng 8 - 10), môi trường nhiệt độ nước 25 - 300C thuận lợi cho các loại bệnh phát triển, như: bệnh đốm đỏ do vi khuẩn, bệnh xuất huyết ở họ cá chép, bệnh xuất huyết do virus ở cá trắm cỏ, bệnh nấm thủy my...
Để hạn chế bệnh phát triển người nuôi cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho cá bằng cách:
- Giữ các yếu tố môi trường trong ao ít bị biến động đột ngột, duy trì mức nước trong ao tối thiểu từ 1,2m nhằm tăng khả năng ổn định nhiệt độ nước trong ao, những ao nuôi thâm canh cần tăng cường sử dụng quạt nước.
- Con giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
- Tích cực cho cá ăn đầy đủ về lượng, bảo đảm về chất, đồng thời bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá. Thường xuyên cấp nước mới vào ao để tăng cường oxy và không gian sống của cá. Vệ sinh sạch sẽ khu vực cho cá ăn hàng ngày, định kỳ 2 lần/tháng dùng vôi bột hòa nước té đều khắp mặt ao với lượng 2 - 3kg/100m3 nước (lượng vôi bón tùy theo pH nước ao nuôi). Riêng đối với nuôi cá lồng, bè trên sông, hồ phải thường xuyên treo túi vôi 3kg vôi/10m3, hoặc thuốc tím 0,2kg/10m3, đặt túi cách mặt nước khoảng 1/3 - 1/2 độ sâu của nước trong lồng/bè ở đầu nguồn nước hoặc khu vực cho ăn. Vệ sinh lồng bè theo định kỳ hàng tuần.
2. Công tác phối kết hợp.
Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn, vật tư đầu vào dùng trong nuôi trồng thủy sản, quản lý môi trường, dịch bệnh đảm bảo. Xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất nuôi trồng thủy sản không chấp hành các quy định của nhà nước./.
Nguồn: Phòng Nuôi trồng thủy sản

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
qc tc
ql cs
pmsh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay18,627
  • Tháng hiện tại421,684
  • Tổng lượt truy cập14,779,912
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây