Nghệ An tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho tàu cá 67

Thứ sáu - 09/04/2021 00:14 1.135 0
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu ghi nhận những đóng góp to lớn của bà con ngư dân trong việc đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc... Đồng thời, chia sẻ khó khăn với bà con ngư dân trong quá trình đưa vào hoạt động tàu 67/CP.
Sáng 29/3, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với các địa phương, ngành và các đơn vị liên quan, nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Nghị định 67/CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Toàn cảnh cuộc họp: Ảnh Xuân Hoàng
Tàu 67/CP hoạt động cầm chừng
Nghệ An có tổng số tàu đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP 104 tàu với tổng công suất máy chính theo thiết kế là: 83.832 CV. Trong đó: Tàu vật liệu vỏ gỗ 90 tàu, vỏ thép 9 tàu, vỏ Composite 5 tàu. Tổng số vốn được các ngân hàng thương mại cho vay theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67/CP là 860 tỷ đồng. Các tàu 67 đánh bắt bằng các nghề: chụp, lưới rê, vây.
Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã tạo ra bước đột phá về công suất, công nghệ, phương thức khai thác hải sản; đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của đông đảo bà con ngư dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh biển đảo, chủ quyền quốc gia.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số chủ tàu gặp khó khăn, vướng mắc, dẫn đến nợ ngân hàng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, đến 28/02/2021, có 31 tàu hoạt động có hiệu quả, trả gốc/lãi đúng cam kết.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Xuân Hoàng
 
59 tàu hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc/lãi theo cam kết, dư nợ 438,4 tỷ đồng, dư nợ gốc quá hạn là 121,74 tỷ đồng. Trong số đó có 51 khách hàng bị chuyển nợ xấu với dư nợ xấu là 366,6 tỷ đồng; 6 tàu đã bàn giao xử lý tài sản dư nợ 39,3 tỷ đồng; 5 tàu không thể hoạt động do gặp rủi ro trong quá trình khai thác, dư nợ 39,1 tỷ đồng.
Về chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, từ năm 2014 đến 2019 có 4.281 tàu tham gia bảo hiểm. Số phí bảo hiểm Ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 82 tỷ đồng. Số tiền bồi thường bảo hiểm trên 118 tỷ đồng. Từ cuối năm 2019 đến nay, Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An không triển khai bán theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Một con tàu vỏ thép được đóng bằng nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị định 67/CP trên địa bàn tx Hoàng Mai. Ảnh: Xuân Hoàng
 
Tháo gỡ khó khăn cho ngư dân
Tại cuộc họp, phía các chủ tàu 67/CP nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đánh bắt hải sản hiện nay; thực trạng xử lý tài sản là tàu nợ quá hạn còn bất cập; đặc biệt nhiều tàu bị cháy, tai nạn trên biển, mặc dù mua bảo hiểm, nhưng phía công ty bảo hiểm gây khó khăn trong thủ tục, chậm chi trả tiền...
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh và Ngân hàng Nhà nước tỉnh, nêu các giải pháp thu nợ đối với các chủ tàu đang nợ quá hạn.
Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu ghi nhận những đóng góp to lớn của bà con ngư dân trong việc đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc... Đồng thời, chia sẻ khó khăn với bà con ngư dân, trong khi Công ty Bảo hiểm PJICO không bán bảo hiểm nữa thì nhiều ngư dân mua bảo hiểm của các công ty bảo hiểm khác, không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước...  Giá hải sản giảm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19; trong khi nguồn lợi hải sản ngày càng giảm, nên sản lượng đánh bắt được không cao...
Ngư dân Lê Hội Hưng ở xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) cho rằng, để bà con ngư dân tiếp tục đi biển khai thác hải sản, phía ngân hàng cần có giải pháp giãn nợ cho các chủ tàu. Đặc biệt, một số chủ tàu bị tai nạn trên biển từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền bảo hiểm. Ảnh: Xuân Hoàng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT sớm có giải pháp đối với những chủ tàu hoạt động không hiệu quả, nhưng có khả năng chuyển đổi nghề. Những chủ tàu cố ý chây ỳ không trả nợ... thì có giải pháp cụ thể giữa ngân hàng và chủ tàu theo quy định của pháp luật. Cùng đó, tham mưu cho UBND tỉnh để có hướng tháo gỡ vướng mắc đối với từng chủ tàu. 
Sở Nông nghiệp &PTNT nghiên cứu để tham mưu cho tỉnh có những chính sách phát triển thủy sản trong thời gian tới, trong đó ưu tiên việc chuyển đổi nghề đánh bắt cho ngư dân.
Các địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP để ngư dân hiểu đúng về chính sách của Nhà nước, trong đó phải quán triệt rõ cho các chủ tàu hiểu trách nhiệm trước pháp luật về phần vốn vay của mình.
Các huyện, thị nắm bắt và tham mưu UBND tỉnh xử lý kịp thời các tồn tại, vướng mắc của ngư dân, cũng như công tác thu hồi nợ vay của đội tàu 67.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ trì phối hợp với Ban chỉ đạo 67 của tỉnh, chính quyền địa phương huyện, xã và các chủ tàu căn cứ nội dung phương án sản xuất, kinh doanh của chủ tàu đã được thẩm định, phê duyệt để tiến hành rà soát, phân tích, đánh giá, phân loại các trường hợp chưa hoặc không trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết để có hướng xử lý cụ thể, hiệu quả cho từng trường hợp.
Đối với Công ty Bảo hiểm PJICO sớm trả lời dứt điểm đối với các chủ tàu bị rủi ro, giải quyết các hồ sơ của ngư dân đã kéo dài nhiều năm qua.
Qua đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu sẽ đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Tài chính và Chính phủ đề ra chính sách mua bảo hiểm. Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu có phương án giãn thời gian trả nợ cho các chủ tàu, để giảm bớt khó khăn cho ngư dân./. 
BÁ PHI - Phòng Quản lý tàu cá & CSDVHCNC (Nguồn: Báo Nghệ An)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
qc tc
ql cs
pmsh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay18,627
  • Tháng hiện tại421,114
  • Tổng lượt truy cập14,779,342
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây