Ngày 29/12/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa của tỉnh Nghệ An đến năm 2030. Trong đó, nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đã được xác định để hoàn thành các mục tiêu từ nay cho đến năm 2025 và giai đoạn 2025-2030.
Theo mục tiêu của Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa mới được phê duyệt, đến năm 2025, diện tích nuôi thả trực tiếp trong lòng hồ chứa đạt 8.400 ha, sản lượng nuôi đạt 6.100 tấn, số lượng lồng nuôi trên hồ chứa đạt 2.250 cái, tổng thể tích lồng nuôi đạt 123.500 m3, sản lượng đạt 2.000 tấn, giá trị sản xuất đạt 450.000 triệu đồng, 50% hộ nuôi lồng được tập huấn, phổ biến kiến thức kỹ thuật về nuôi trồng thuỷ sản và các quy định pháp luật liên quan; 50% số cơ sở đủ điều kiện được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè và có ít nhất 01 chuỗi liên kết giá trị trong nuôi trồng thủy sản hồ chứa được xây dựng thành côngMục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi thả trực tiếp trong lòng hồ chứa đạt 8.480 ha, sản lượng nuôi đạt 7.300 tấn, số lượng lồng nuôi trên hồ chứa đạt 3.200 lồng, tổng thể tích lồng nuôi đạt 181.750 m3, sản lượng đạt 3.500 tấn, giá trị sản xuất đạt 715.000 triệu đồng, 100% hộ nuôi lồng được tập huấn, phổ biến kiến thức kỹ thuật về nuôi trồng thuỷ sản và các quy định pháp luật liên quan; 100% số cơ sở đủ điều kiện được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè và có ít nhất 02 chuỗi liên kết giá trị trong nuôi trồng thủy sản hồ chứa được xây dựng thành công.
Ảnh: Đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện
Để đạt được các mục tiêu đề ra, nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm từ nay cho đến năm 2025 và giai đoạn 2025-2030 đã được xác định, trong đó, nuôi cá trong lồng là hình thức nuôi được xác định phát triển trên các hồ chứa có diện tích mặt nước từ 05 ha trở lên, có nguồn nước ổn định, đảm bảo về chất lượng và độ sâu, tập trung chủ yếu ở các huyện Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn và Tân Kỳ với các đối tượng nuôi có giá trị cao như các loại cá Trắm, Chép “giòn”, cá Lăng, cá Leo, cá Chiên, cá Chình,...; nuôi theo hướng công nghiệp, sử dụng con giống nhân tạo có chất lượng cao và thức ăn công nghiệp trong các lồng nuôi được làm bằng vật liệu HDPE và có kích thước lớn từ 100 m3 trở lên. Đối với hình thức nuôi thả trực tiếp, phát triển nuôi bán thâm canh trên các hồ chứa có diện tích dưới 50 ha và thả nuôi có quản lý trên các hồ chứa có diện tích từ 50 ha trở lên, tập trung chủ yếu ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương và Nghi Lộc,... với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, được thị trường ưa chuộng như cá Trắm, cá Chép, cá Rô phi, Diêu hồng,...
Ảnh: Cá Diêu hồng nuôi trên hồ chứa
Bên cạnh đó, phát triển sản xuất, ương dưỡng giống, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cùng hệ thống cung ứng vật tư hỗ trợ nuôi thủy sản trên các hồ chứa; công tác tổ chức sản xuất, xây dựng cơ chế chính sách, phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ cũng như quản lý môi trường và bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản là những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ được ưu tiên triển khai trong thời gian tới.
UBND tỉnh đã giao cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị xã căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện đề án có hiệu quả.
Cảnh Hoàng - Phòng Nuôi trồng thủy sản