Vào dịp hè hàng năm, thời tiết nắng nóng thường kéo dài, động vật thuỷ sản nuôi nói chung và cá nước ngọt nói riêng chịu nhiều tác động bất lợi do các yếu tố môi trường thay đổi trong điều kiện gia tăng của nhiệt độ, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển.
Cá là động vật biến nhiệt, thân nhiệt cá thay đổi theo nhiệt độ môi trường nước. Do vậy, nhiệt độ nước quá cao hay quá thấp đều có tác động xấu đến sự sinh trưởng, phát triển của cá. Đa số các loài cá nuôi nước ngọt phát triển thuận lợi trong môi trường nước có nhiệt độ từ 20 – 30oC.
Ảnh: Sử dụng lưới lan che nắng trong ao nuôi cá lóc
Khi nhiệt độ cao, quá trình trao đổi chất của cá tăng, cá phải tăng cường độ hô hấp để hấp thu nhiều oxy hơn so với khi sống trong điều kiện nhiệt độ bình thường. Đồng thời, quá trình phân giải chất hữu cơ trong môi trường nước tăng nhanh (Nhiệt độ tăng 10oC thì tốc độ phân hủy chất hữu cơ tăng gấp 10 lần và tiêu hao oxy tăng gấp đôi), đặc biệt là các chất hữu cơ tích tụ ở đáy ao sẽ phân huỷ mạnh, không chỉ tiêu hao nhiều oxy hoà tan trong nước mà còn khuếch tán vào nước các loại khí độc như cacbonic, metan, ammoniac, sulfua hydro gây ngộ độc cho cá; đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng,…phát triển. Mặt khác, nắng nóng trong thời gian dài tạo điều kiện cho các loại tảo trong ao phát triển mạnh làm giảm hàm lượng oxy hoà tan trong nước vào ban đêm và sáng sớm. Sự tăng, giảm đột ngột nhiệt độ sẽ trực tiếp làm cho các yếu tố môi trường biến động mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khoẻ của cá, dễ gây sốc và làm tăng mẫn cảm của cá với các tác nhân gây bệnh, giảm tỉ lệ sống cũng như khả năng đề kháng.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở miền Trung từ tháng 6 đến tháng 7 năm 2023 và kéo dài hơn so với năm 2022; các đợt nắng nóng có thể kéo dài trên 7 ngày với nhiệt độ từ 37 - 39 oC, có nơi cao hơn từ 40 - 42 oC. Do đó, việc chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc, quản lý đàn cá nuôi trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay để đảm bảo sự sinh trưởng, phát triển của cá và giảm thiệt hại trong sản xuất là rất cần thiết, bà con cần lưu ý một số nội dung như sau:
Ảnh: Nuôi cá theo công nghệ sông trong ao vào mùa hè
Cần bổ sung nước thường xuyên cho ao nuôi, đảm bảo độ sâu mực nước trong ao từ 1,5 - 1,8 m (đối với nuôi lồng trên sông/hồ, bà con cần di chuyển lồng nuôi đến nơi có mực nước sâu, đảm bảo độ sâu của lồng ở mức 2,5 - 3,0 m) trong suốt mùa hè để ổn định nhiệt độ, tạo vùng phân bố mát hơn ở các tầng nước cho cá và hạn chế hiện tượng cá bị sốc do chênh lệch quá lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm; có thể làm mái che phủ bằng lưới đen hoặc thả bèo tây che kín 1/3 diện tích nuôi để giảm bớt cường độ ánh sáng, tạo vùng trú ngụ cho cá.
Đảm bảo hàm lượng ôxy hoà tan: sử dụng máy bơm nước hoặc quạt nước hàng ngày để tăng lượng oxy hoà tan, tránh hiện tượng phân tầng nước; đặc biệt, cần tăng cường thời gian chạy máy bơm, quạt nước vào ban đêm (nhất là từ 2 - 4h sáng) và vào những ngày thời tiết oi bức hoặc chuẩn bị chuyển giông hoặc đang nắng nóng mà xuất hiện mưa lớn đột ngột.
Khi gặp phải trường hợp, cá bị ngạt thở, nổi đầu trong thời gian dài mà nắng lên vẫn chưa chịu xuống thì cần phải tiến hành ngay các biện pháp để tăng cường thêm oxy cho ao bằng cách bơm thêm nước sạch vào ao và phun mưa trên mặt ao, tháo bớt nước cũ ra ngoài, sục khí hoặc đánh oxy viên; đồng thời có thể sử dụng thêm một số sản phẩm xử lý môi trường như Yucca, Zeolite,… để giảm bớt lượng khí độc phát sinh trong ao nuôi.
Cho cá ăn vào sáng sớm và chiều mát, cho ăn nhiều hơn vào buổi sáng để cá nuôi có thể sử dụng thức ăn hiệu quả nhất; khi nhiệt độ nước trên 35°C thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với ngày bình thường và ngừng cho cá ăn khi nhiệt độ nước trên 39°C.
Trộn Vitamine C, men tiêu hoá, tinh chất tỏi vào thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng cường khả năng tiêu hoá và sức đề kháng cũng như khả năng chống chịu với stress cho cá.
Kiểm soát sự phát triển của tảo và duy trì độ trong của nước ao từ 30 - 40 cm; định kỳ 7-10 ngày, sử dụng các loại chế phẩm sinh học đánh xuống ao để xử lý đáy, cải thiện chất lượng môi trường nước ao nuôi.
Việc đánh bắt, san thưa, vận chuyển và thả giống cần phải tiến hành vào lúc sáng sớm, mát trời; tránh những ngày nắng nóng. Khi chuyển cá bột, hương bằng túi Polyethylen (PE) có bơm oxy, thì cho cả túi cá xuống ao ngâm 15 - 20 phút để nhiệt độ trong túi cá và ở ao gần như ngang nhau, mới mở miệng túi, thả cá ra ngoài môi trường nuôi tránh hiện tượng thay đổi nhiệt độ đột ngột gây sốc, tê liệt và chết cá.
Cảnh Hoàng - Chi cục Thuỷ sản