Nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho bà con và phát triển sản xuất nuôi thủy sản trên địa bàn trong các tháng cuối năm 2021; trong tháng 8 và tháng 9/2021, Chi cục Thủy sản và Đài truyền hình Nghệ An đã phối hợp thực hiện Chương trình Nhịp cầu nhà nông với 02 chuyên đề: “Chăm sóc thủy sản nuôi trong mùa mưa bão” và “Chăm sóc tôm nuôi trong vụ đông”. Đây đều là những nội dung thiết thực gắn liền với sản xuất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn khi mà bà con đang trong thời điểm xuống giống tôm để tiến hành nuôi vụ đông theo khung lịch thời vụ và mùa mưa bão đã đến.
Thông qua Chương trình này, nhiều thông tin về quản lý môi trường, chăm sóc sức khỏe trong điều kiện nhiệt độ thấp của mùa đông và các biện pháp để bảo vệ thủy sản nuôi mùa mưa bão đã được tuyên truyền tới bà con như:
- Tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống cấp, thoát nước chắc chắn có khả năng chống chịu khi mưa lũ lớn; Nạo vét, khơi thông cống rãnh, kênh mương đảm bảo thoát nước tốt khi xẩy ra mưa lũ; Đặt ống xả tràn để thoát nước, vây lưới chắn xung quang bờ (độ cao 40 - 50cm, ghim sâu 20 - 30cm dưới mặt đất) nhằm giảm thiệt hại sản xuất khi mưa lũ kéo dài;
- Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở vật chất, hóa chất, nguyên nhiên vật liệu (lưới, đăng chắn, dụng cụ, cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ, quạt nước, vôi, tàu thuyền, phao cứu sinh…) để chủ động khi có tình huống xấu xẩy ra;
- Kiểm tra, tiến hành thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích cở thương phẩm trước mùa mưa lũ;
- Thường xuyên rải vôi (CaCO3) xung quanh bờ ao. Sau mỗi đợt mưa, lũ cần chủ động bón vôi để ổn định môi trường ao nuôi (1-3kg/100m2);
- Điều chỉnh lượng thức ăn khi có mưa bão/thay đổi thời tiết để hạn chế ô nhiểm môi trường, tránh lãng phí; Bổ sung vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa,... vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi trước những thay đổi bất lợi của điều kiện môi trường và các tác nhân gây bệnh.
- Đối với các vùng nuôi tôm mặn lợ ngoài các biện pháp trên, khi xảy ra mưa lũ độ mặn của nước trong ao nuôi sẽ biến động rất mạnh. Để hạn chế độ mặn giảm đột ngột trong ao nuôi tôm, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước: Trước khi mưa to cần lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao ở mức cao và phải bố trí hệ thống rút nước tầng mặt khi mưa kéo dài, mực nước trong ao dâng cao.
- Đối với nuôi lồng bè: Kiểm tra và gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây hư hỏng lồng; trường hợp không di chuyển được lồng, cần hạ lồng xuống thấp để giảm bớt sóng gió; Những nơi có dòng chảy lớn cần dùng tấm chắn, bạt che chắn phía trước lồng nuôi làm giảm dòng chảy trực tiếp vào lồng, ngăn chặn các vật rắn, gỗ làm hư hòng lồng gây thất thoát cá ra ngoài; Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi (2 - 4kg vôi/10m3 nước) trước dòng chảy để phòng bệnh cho động vật thủy sản;…
- Đối với nuôi tôm vụ đông: cần tuân thủ khung lịch thời vụ thả giống từ ngày 01/9 - 30/102021 theo thông báo của Sở Nông nghiệp và PTNT; Chỉ áp dụng cho các vùng nuôi tôm điều kiện hạ tầng và môi trường nước đảm bảo để tránh các rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; Tuân thủ quy trình kỹ thuật từ khâu cải tạo, chọn giống, thả giống và chăm sóc, quản lý môi trường; những cơ sở có điều kiện ao/bể, kỹ thuật nên tiến hành ương dưỡng tôm trước khi thả ra ao nuôi và đặc biệt lưu ý: duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,2 – 1,5 m, cho tôm ăn đầy đủ, bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa, bổ gan, tỏi vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho tôm; thường xuyên sục khí để đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan và cân bằng môi trường nước giữa các tầng nước; định kỳ 5 -7 ngày sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý, cải thiện, ổn định môi trường nước và chỉ nên cấp nước bổ sung, hạn chế tối đa việc thay nước trong quá trình nuôi,…
Trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản vẫn tiếp tục phối hợp cùng Đài Phát thanh và truyền hình Nghệ An thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh để phát triển sản xuất thủy sản./.
Nguyễn Cảnh Hoàng - Phòng nuôi trồng thủy sản