Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Nghệ An trên địa bàn tỉnh hiện nay có gần 3.500 chiếc tàu, trong đó có hơn 1.700 tàu có chiều dài từ 12m trở lên. Năm 2020 sản lượng khai thác hải sản đạt khoảng hơn 180.000 tấn. Từ đó kéo theo nhiều dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương ven biển. Tuy nhiên, dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh phát triển chưa đồng bộ cần có hướng tháo gỡ để phát triển quy mô lớn theo hướng hiện đại.
Nhằm từng bước phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa, phát triển ngành kinh tế biển một cách bền vững, bảo vệ có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, tỉnh Nghệ An đã xây dựng và đưa vào sử dụng các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, đáp ứng nhu cầu vươn khơi bám biển ngày càng cao và nâng cao giá trị kinh tế sau mỗi chuyến đi biển cho ngư dân, để kinh tế biển thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện xây dựng đề án “Phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030” theo Quyết định số 3800/QĐ-UBND ngày 15/10/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
(Khu neo đậu tránh trú bão xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu)
Ngày 07/4/2022 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 897/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ xây dựng đề án Phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030. Đề án là cơ sở cho việc xác định quy mô đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, đáp ứng nhu cầu phát triển của khai thác thủy sản, phù hợp với định hướng phát triển bền vững ngành thủy sản tỉnh Nghệ An. Hệ thống hạ tầng cơ sở và dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư đồng bộ còn là điều kiện đáp ứng nhu cầu cập cảng bốc dỡ hàng hóa của các tàu cá địa phương khác, thúc đẩy kinh tế vùng ven biển tỉnh nhà phát triển bền vững, đồng thời phục vụ tốt hơn công tác tránh trú bão cho ngư dân trong khu vực.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh nghệ an có 3.420 tàu thuyền khai thác hải sản. Trong đó, số tàu có chiều dài lớn nhất < 6m là 897chiếc (chiếm 26.23% tổng số tàu thuyền), tàu có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m là 807 chiếc (chiếm 23.6% tổng số tàu thuyền), 12 m đến 15m là 543 chiếc chiếm 15.9%, tàu có chiều dài lớn nhất >= 15 m là 1173 chiếc (chiếm 34.3% tổng số tàu thuyền). Trên địa bàn tỉnh có 04 cảng cá được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước (Cảng cá Quỳnh Phương, cảng cá Lạch Quèn, cảng cá Lạch Vạn và cảng cá Cửa Hội) đáp ứng được khoảng 60% khả năng bốc dỡ hàng hóa qua cảng, có 05 khu neo đậu tránh trú bão được xây dựng tại các lạch trên địa bàn tỉnh đáp ứng được khoảng 2.000 chiếc tàu thuyền neo đậu các loại.
Hệ thống kho đông đã được người dân đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu dự trự sản phẩm khai thác, có lúc được mùa bị ép giá. Hệ thống nhà máy nước đá được ngư dân đầu tư nhưng không đồng bộ và chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong thời gian tới với định hướng ưu tiên phát triển nghề cá theo hướng hiện đại và mang tính bền vững. Điều này giúp nâng cao hiệu quả nghề khai thác thủy sản và bảo đảm sự an toàn cho ngư dân và tàu thuyền hoạt động trên biển, giảm thấp nhất những rủi ro mỗi khi thiên tai, bão tố. Mặt khác, việc các cảng cá được đầu tư đồng bộ sẽ giúp cho các địa phương kiểm soát tốt thông tin về thời gian xuất nhập cảng, sản lượng hải sản và hành trình của các tàu cá, góp phần chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, vốn còn nhiều khó khăn và bất cập như hiện nay./.
Nguyễn Văn Hải – phòng Quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá