Ngày 19/4/2023, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã biên dịch và phát hành tài liệu về “Điều kiện làm việc tốt, đảm bảo an toàn và an sinh xã hội” theo nội dung công ước số 188 và khuyến nghị số 199 đã được thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2007 tại Hội nghị thường niên của Tổ chức Lao động Quốc tế ở Geneva.
Trên cơ sở nội dung Công ước về Việc làm trên tàu khai thác thủy sản (Công ước số 188 của ILO) và khuyến nghị số 199 đã được thông qua, Văn phòng tổ chức ILO tại Hà Nội đã phối hợp với Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản (VIFEP) cùng chuyên gia tại Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam để biên dịch và rà soát nội dung tài liệu cho phù hợp với điều kiện hoạt động của nghề cá Việt Nam.
Với mục tiêu “đảm bảo rằng ngư dân trên toàn thế giới có việc làm thỏa đáng thông qua một công cụ pháp lý hiện đại có thể được phê chuẩn rộng rãi”, bộ tài liệu đã đề cập đến nhiều nội dung có liên quan như: Điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn và an sinh xã hội đối với ngư dân; quyền của ngư dân khi làm việc trên tàu cá, dưới đây là một số nội dung chính của tài liệu sẽ giúp các cơ quan nhà quản lý nghề cá cũng như ngư dân Việt Nam hiểu rõ hơn về các quy định của Công ước quốc tế và các quy định liên quan khác, cụ thể:
Tại sao ngư dân lại cần sự bảo vệ đặc biệt?
Điều kiện làm việc của ngư dân không giống như điều kiện làm việc của người lao động trong các lĩnh vực khác. Tỷ lệ tử vong của ngư dân thường cao hơn nhiều lần so với người lao động làm việc trong các ngành nghề khác. Trong ngành nghề này gần như không có sự tách biệt rõ ràng giữa thời gian làm việc và thời gian dành cho cá nhân. Nhiều ngư dân sống và làm việc trên tàu khai thác, có thể trong điều kiện chật chội và tù túng. Người lao động có thể phải xa nhà trong thời gian dài và thời gian làm việc thường kéo dài. Việc tiếp cận đầy đủ thức ăn và nước uống cũng như các phương tiện giải trí với ngư dân có thể là một vấn đề.
Những đối tượng nào được áp dụng trong Công ước về Việc làm trên tàu khai thác thủy sản?
Tất cả các hình thức khai thác thủy sản thương mại đều được quy định trong Công ước về Việc làm trên tàu khai thác thủy sản. Chỉ có câu cá để làm thức ăn cho bản thân và câu cá giải trí là hai hoạt động khai thác không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Công ước.
Một phần là do có nhiều tình huống cụ thể xảy ra khi ngư dân làm việc trên tàu/thuyền khai thác nên Công ước có tính linh hoạt khi áp dụng. Ví dụ, một số quy định của Công ước chỉ áp dụng cho tàu khai thác có chiều dài trên 24 mét hoặc tàu khai thác hoạt động trên biển từ ba ngày trở lên.
Bối cảnh của Công ước về Việc làm trên tàu khai thác thủy sản.
Công ước về Việc làm trên tàu khai thác thủy sản đã được thông qua vào ngày 14 tháng 6 năm 2007 tại Hội nghị thường niên của Tổ chức Lao động Quốc tế ở Geneva. Cuộc bỏ phiếu thông qua Công ước này có tỷ lệ ủng hộ áp đảo với 437 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 22 phiếu trắng.
Công ước và Khuyến nghị thay thế một số văn kiện trước đó của ILO (được ban hành năm 1920, 1959 và 1966) đề cập đến các điều kiện lao động trên tàu khai thác thủy sản.
Công ước về Việc làm trên tàu khai thác thủy sản sẽ có hiệu lực một năm sau khi được mười quốc gia thành viên phê chuẩn, tám trong số các quốc gia này có biển. Công ước sẽ ràng buộc về mặt pháp lý đối với các Quốc gia thành viên lựa chọn phê chuẩn Công ước.
Biện pháp bảo vệ ngư dân được đưa ra trong Công ước về Việc làm trên tàu khai thác thủy sản?
Công ước giải quyết các vấn đề thiết yếu để đảm bảo việc làm thỏa đáng trên tàu khai thác thủy sản. Một số biện pháp bảo vệ ngư dân được Công ước đề cập đến:
Quy định trách nhiệm của chủ tàu và thuyền trưởng đối với sự an toàn của ngư dân trên tàu và sự an toàn của tàu (Điều 8).
Quy định độ tuổi tối thiểu để làm việc trên tàu khai thác và yêu cầu bảo vệ đặc biệt đối với ngư dân trẻ tuổi (Điều 9).
Yêu cầu ngư dân phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ để làm việc trên tàu cá (Điều 10-12).
Yêu cầu các tàu đánh cá phải có nhân lực đầy đủ và hiệu quả (thủy thủ đoàn), chịu sự kiểm soát của chỉ hủy có thẩm quyền, và các ngư dân trên tàu được bố trí đủ thời gian nghỉ ngơi (Điều 13-14);
Yêu cầu các tàu cá phải có danh sách thủy thủ đoàn và ngư dân phải được bảo vệ thông qua thỏa thuận ký kết về công việc, trong đó quy định các điều khoản của loại hình công việc mà họ thực hiện (Điều 15-20, và Phụ lục II).
Cho phép ngư dân được hồi hương khi thỏa thuận đã ký hết hạn, đồng thời nghiêm cấm việc bắt buộc ngư dân phải trả tiền để có được việc làm(Điều 21-22).
Quy định cách thức trả lương đối với ngư dân và cách thức họ có thể gửi tiền về nhà cho gia đình mà không mất phí (Điều 23-24).
Quy định các tiêu chuẩn về sinh hoạt ăn ở trên tàu (Điều 25-28, và Phụ lục III).
Đưa ra các yêu cầu về an toàn và sứ khỏe nghề nghiệp, cũng như mức độ chăm sóc y tế cơ bản trên tàu khai thác; (Điều 31-33). Đảm bảo rằng ngư dân được hưởng chế độ an sinh xã hội không thấp hơn so với người lao động khác ở trong nước (Điều 34-39).
|
Một số nội dung trong công ước 188 và khuyến nghị 199 của ILO
- Công ước quy định rõ chủ tàu cá chịu trách nhiệm cuối cùng về các điều kiện làm việc trên tàu. Cụ thể:
+ Chủ tàu khai thác thủy sản có trách nhiệm chung để đảm bảo rằng thuyền trưởng được cung cấp các nguồn lực và phương tiện cần thiết để tuân thủ các nghĩa vụ của Công ước 188.
+ Thuyền trưởng/Chỉ huy tàu chịu trách nhiệm về sự an toàn của ngư dân trên tàu và sự vận hành an toàn của tàu.
- Trách nhiệm của bản thân ngư dân:Ngư dân phải tuân thủ mệnh lệnh hợp pháp của thuyền trưởng cũng như các biện pháp an toàn và sức khỏe.
- Công ước quy định độ tuổi tối thiểu tiêu chuẩn cho ngư dân.
- Công ước quy định về sức khỏe của cá nhân.
- Công ước quy định về nhân lực (số lượng thuyền viên) và thời gian làm việc.
- Công ước quy định về Thỏa thuận Làm việc.
- Công ước quy định về Điều kiện ăn, ở.
- Công ước quy định về An toàn và sức khỏe.
- Công ước quy định về Bảo đảm an sinh xã hội.
Phòng Khai thác và PTNL Thủy sản
(Nguồn: Theo Trần Văn Luận - Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam)