Thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao; trong tháng 5 năm 2021, Chi cục Thủy sản đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các bên liên quan để nắm bắt thông tin, thực trạng và đánh giá, phân loại hoạt động sản xuất thực tế của chủ tàu để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh có các chính sách, biện pháp xử lý cụ thể đối các chủ tàu vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP thuộc nhóm nợ xấu
Tính đến thời điểm hết tháng 02/2021, trên địa bàn Nghệ An đã triển khai thực hiện cho vay đối với 104 chủ tàu, với tổng số tiền đã giải ngân là 860 tỷ đồng. Trong tổng số 104 tàu được Ngân hàng tài trợ cho vay vốn có 03 tàu gặp sự cố đã tất toán khoản vay; 101 chủ tàu còn dư nợ tại ngân hàng với tổng số tiền 660,4 tỷ đồng. Trong số đó có 51 khách hàng đã bị các Ngân hàng chuyển sang nợ xấu với tổng số dư nợ là 366,6 tỷ đồng (có 04 tàu cháy, 02 tàu bị chìm, 04 tàu bị thu, 04 tàu đã đấu giá xong, còn lại 37 tàu với tổng số dư nợ xấu là 278,848 tỷ đồng).
Ảnh: Buổi làm việc tại UBND xã Quỳnh Long vào ngày 07/5/2021
Trong quá trình ký hợp đồng tín dụng để vay vốn thì ngoài tài sản thế chấp là tàu cá (tài sản hình thành từ vốn vay), các chủ tàu còn phải thế chấp thêm nhiều giấy tờ có giá trị khác để làm tài sản đảm bảo (bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chủ tàu, của người thân, bạn bè). Những năm đầu tiên tham gia sản xuất, các chủ tàu cơ bản chấp hành nghiêm túc, có trách nhiệm trong việc trả nợ.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay do khai thác mất mùa, dịch bệnh Covid làm giảm giá thành sản phẩm, ngư trường hạn hẹp (do Hiệp định Hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết ngày 25/12/2000 đã hết hiệu lực từ ngày 30/6/2020), nguồn lợi thủy sản suy giảm, thiếu lao động, trong khi các chi phí đầu vào phục vụ cho sản xuất như dầu, đá, nhân công lại tăng... nên hiệu quả kinh tế suy giảm hơn nhiều so với trước đây. Ngoài ra do các tàu cá đã tham gia hoạt động khai thác từ 5-6 năm, nên vỏ tàu (đặc biệt các tàu vỏ thép), máy tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ xuống cấp, hư hỏng cần phải sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp, duy tu hằng năm. Bên cạnh đó từ quý II năm 2019 đến nay, Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An không thực hiện bán bảo hiểm cho tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 với lý do Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An đang chờ ý kiến hướng dẫn của Tổng Công ty Bảo hiểm PJICO và Bộ Tài chính về hướng dẫn sửa đổi quy tắc bảo hiểm tàu cá, điều này gây nhiều khó khăn khiến một số tàu hết hạn bảo hiểm không thể ra khơi đánh bắt, trường hợp tiếp tục ra khơi phải mua bảo hiểm của các công ty khác và không được hỗ trợ từ chính sách.
Ảnh: Buổi làm việc tại UBND phường Quỳnh Phương ngày 18/5/2021
Tại các cuộc làm việc, đại diện Chi cục Thủy sản đã chia sẻ với những khó khăn của các chủ tàu trong thời gian qua, ghi nhận sự đóng góp của các chủ tàu cá trong việc vươn khơi bám biển, tham gia vào công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đồng thời cũng tuyên truyền, phổ biến các mục tiêu, ý nghĩa của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, quán triệt rõ cho các chủ tàu hiểu trách nhiệm trước pháp luật về phần vốn vay của mình; động viên các chủ tàu ổn định tư tưởng, tiếp tục tham gia khai thác thủy sản phát triển kinh tế, trả nợ Ngân hàng, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Qua buổi làm việc, Chi cục Thủy sản sẽ tổng hợp, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu UBND tỉnh có văn bản tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, có chính sách giãn nợ, tính toán lại thời gian trả nợ cho ngư dân; Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng Công ty Bảo hiểm PJICO sớm triển khai bán bảo hiểm cho các tàu cá đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP cũng như tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu cá đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP nếu ngư dân phải mua bảo hiểm của các công ty khác ngoài PJICO trong thời gian PJICO chưa bán bảo hiểm cho ngư dân.
Bá Phi – Phòng Quản lý tàu cá & CSDVHCNC