Năm 2022, sản xuất nuôi trồng thủy sản được dự báo vẫn tiếp tục đối diện với nhiều thách thức, khó khăn như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, thời tiết diễn biến bất thường theo hướng cực đoan; bệnh trên động vật thủy sản còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát; thương mại nông sản toàn cầu nói chung và thủy sản nói riêng diễn biến khó lường, yêu cầu về chất lượng, xuất xứ sản phẩm ngày càng cao; đặc biệt dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế - xã hội; giá cả vật tư đầu vào có chiều hướng gia tăng,…
Để hạn chế những khó khăn trên, đảm bảo điều kiện cho vụ nuôi đầu năm đạt được hiệu quả đồng thời thực hiện đúng các quy định của Luật Thủy sản, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, bà con cần lưu ý một số nội dung sau:
- Nuôi trồng thủy sản theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
- Tuân thủ lịch mùa vụ nuôi trồng thủy sản năm 2022 theo Thông báo số 01/TB-SNN-TS ngày 04/01/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
- Tiến hành xử lý, cải tạo ao/đầm, lồng bè, bãi nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật để loại bỏ hết các mầm bệnh tồn dư, các loài ký chủ trung gian gây bệnh; đồng thời nạo vét, vệ sinh làm sạch hệ thống cấp, thoát nước trong khu vực nuôi.
Ảnh: Đầu tư bể tròn nổi trong nhà để ương và nuôi tôm theo công nghệ mới
- Theo dõi, nắm bắt các kết quả quan trắc môi trường của các cơ quan chuyên môn để có biện pháp lấy và xử lý nước trước khi thả giống.
- Chọn mua con giống được sản xuất, ương dưỡng tại các cơ sở có uy tín và nguồn gốc rõ ràng; đảm bảo về kích cỡ và chất lượng; đã được kiểm tra các loại bệnh nguy hiểm và được kiểm dịch đúng theo quy định; không thả nuôi các đối tượng thủy sản đã được đưa vào danh sách loài có nguy cơ xâm hại như tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ, rùa tai đỏ,...
- Mua, sử dụng thức ăn, thuốc phòng trị bệnh và các sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản từ các cơ sở kinh doanh có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có trong danh mục được phép lưu hành của Bộ Nông nghiệp và PTNT; không sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời tuân thủ
nghiêm ngặt việc sử dụng, ngừng sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch, đặc biệt
không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh cho động vật thủy sản nhằm hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh và giảm thiểu nguy cơ kháng kháng sinh.
- Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản do cơ quan chuyên môn hướng dẫn, để đảm bảo an toàn dịch bệnh tại cơ sở và vùng nuôi.
- Đối với cơ sở nuôi thủy sản lồng bè, các đối tượng thủy sản chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) phải thực hiện nộp hồ sơ qua Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh để đăng ký cấp Giấy xác nhận theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ.
- Các cơ sở nuôi đối tượng thủy sản chủ lực, cơ sở nuôi lồng bè thuộc tập đoàn, công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm liên kết phải thực hiện đăng ký cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; các cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ, cơ sở nuôi trồng thủy sản không có địa điểm cố định phải thực hiện ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Chủ động tham gia vào các tổ chức quản lý cộng đồng như hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội nuôi trồng thủy sản… để cùng nhau tổ chức quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, chia sẻ thông tin, kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng mới, các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, người nuôi thủy sản cũng cần hết sức quan tâm đến nhu cầu của thị trường để xác định đối tượng nuôi, mức đầu tư hợp lý đồng thời áp dụng kỹ thuật, công nghệ phù hợp nhằm mang lại sự thuận lợi và hiệu quả cao trong sản xuất./.
Nguồn: Cảnh Hoàng - Phòng Nuôi trồng thủy sản