Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An

https://chicucthuysannghean.gov.vn


Những nghiên cứu về hiệu quả của hoạt động khai thác hải sản bằng nghề lưới chụp kết hợp ánh sáng

Khai thác hải sản bằng nghề lưới chụp kết hợp ánh sáng là một trong những nghề khai thác chiếm tỷ trong lớn tại Nghệ An. Việc sử dụng ánh sáng để thu hút các loài thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả khai thác đã được thực tế chứng minh. Tuy nhiên, việc lạm dụng ánh sáng quá mức sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Những nghiên cứu về hiệu quả của hoạt động khai thác hải sản bằng nghề lưới chụp kết hợp ánh sáng
Nghề khai thác thủy sản tại Nghệ An khá đa dạng gồm lưới kéo, lưới rê, lưới vây, lưới chụp, lồng bẫy, câu… trong đó nghề lưới chụp tuy mới được du nhập nhưng chiếm số lượng lớn, với gần 50% tổng số tàu cá khai thác xa bờ. Khi mới được du nhập, nghề chụp (kết hợp ánh sáng) chủ yếu chỉ tập trung vào đối tượng khai thác chính là mực, tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, ngư dân đã sử dụng nghề chụp để khai thác các loài cá khác như cá trỏng, nục, đốm, chim, hố…
Nghề khai thác hải sản kết hợp ánh sáng nhân tạo đã có ở nước ta từ những năm 1950, được du nhập từ các nước có nghề cá phát triển như Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Triều Tiên… Các loại nguồn sáng được sử dụng là đèn măng xông, đèn điện. Đối tượng đánh bắt là các loại cá nổi như cá nục, cá cơm, cá trích, cá lầm, mực... Các nghề khai thác hải sản sử dụng ánh sáng gồm có nghề vây, nghề vó, pha xúc, nghề chụp mực, mành đèn... Nghề chụp mực của nước ta được du nhập từ Thái Lan, Trung Quốc những năm 1990 của thế kỷ trước. Nhưng sử dụng lưới chụp mực phát triển nhất từ năm 1995 đến nay. Hiện nay nghề này phổ biến dọc bờ biển từ Quảng Ninh vào đến Bà Rịa - Vũng Tàu và địa phương có đội tàu chụp mực phát triển nhất là Hải Phòng và Quảng Ninh.  

 
Hình: Tàu cá Nghệ An với số lượng lớn làm nghề lưới chụp
 
Năm 1960 – 1961, Việt Nam hợp tác với Liên Xô thử nghiệm nguồn sáng tập trung cá ở vịnh Bắc bộ. Ngư cụ sử dụng trong nghiên cứu là lưới nâng hình chóp và lưới vó mạn tàu. Nguồn sáng sử dụng trên tàu là loại bóng cao áp 500W, bố trí trong các choá đèn. Tổng công suất nguồn sáng là 4kW. Kết quả đánh bắt trong các lần thử nghiệm chưa được khả quan.
Năm 1962-1963, nghiên cứu thử nghiệm đánh cá bằng lưới nâng hình chóp kết hợp ánh sáng điện; công suất nguồn sáng sử dụng trên tàu là 13,6kW. Kết quả đánh bắt trong 57 mẻ đạt được 430 kg cá. Năm 1964, nghiên cứu thử nghiệm đánh cá bằng lưới mành rút di động kết hợp ánh sáng điện với công suất nguồn sáng 16,7kW. Kết quả đánh bắt 44 mẻ đạt sản lượng 486 kg cá. Cũng trong thời gian này, đoàn khảo sát tiến hành đánh cá bằng lưới vây bán nguyệt kết hợp ánh sáng với công suất nguồn sáng 4,5kW. Kết quả đánh bắt 47 mẻ lưới đạt 2.864 kg.
Giai đoạn từ 1967-1972, các đề tài cơ giới hoá nghề vó đèn, vây cơ giới trên tàu công suất 90cv và trên tàu 250cv; nghiên cứu cải tiến nhiên liệu đốt đèn măng xông 4 mạng; nghiên cứu sử dụng nguồn sáng trong nước tập trung cá,… Các công trình, đề tài nghiên cứu thực nghiệm trong giai đoạn này đều mang nội dung nghiên cứu ngư cụ đánh bắt là chủ yếu, còn phần nghiên cứu kỹ thuật nguồn sáng ít được chú ý. Nguồn sáng sử dụng trong thời kỳ này là nguồn sáng điện với công suất từ 5¸10kW với mạng điện chiếu sáng hỗn hợp cả trong nước và trên mặt nước. Đối tượng đánh bắt chủ yếu bao gồm cá nục, cá lầm, cá trích, cá cơm, mực ống, cá thu, cá bạc má.
Cuối năm 1970, Hội nghị tổng kết ngành Thuỷ sản về khai thác cá biển đã nhận định “nghề đánh cá kết hợp ánh sáng là một nghề tiến bộ có năng suất và hiệu quả kinh tế tốt, nó đã và đang trở thành một trong những nghề chủ yếu của ngành khai thác cá biển ở nước ta”.
Sau năm 1975, các nghiên cứu trong nước tập trung vào giải quyết vấn đề sử dụng ánh sáng để nâng cao hiệu quả khai thác như:
+ Sử dụng ánh sáng đèn măng sông cho tàu lưới vây cơ giới; ứng dụng máy dò cá nâng cao năng suất nghề lưới vó đèn (Lê Nguyên Cẩn, 1977). Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật đánh cá bằng l­ưới vây ban ngày và ban đêm kết hợp ánh sáng điện khai thác ở vùng lộng và vùng khơi trên các tàu có công suất từ 16-45 cv” (Lê Nguyên Cẩn, 1984). Sử dụng ánh sáng để đánh bắt tôm bằng lưới vây ở Kiên Giang (Nguyễn Hiện, 1977). Sử dụng ánh sáng đèn neon đánh cá bằng lưới vây ở Thuận Hải (Nguyễn Đình Nhân, 1980) đã mang lại hiệu quả đánh bắt cao hơn khoảng 20%.
+ Báo cáo tổng kết “Nghề đánh cá bằng l­ưới vây ban ngày và ban đêm kết hợp ánh sáng ở Hà Nam Ninh” (Nguyễn Đình Nhân, 1982) đã nhận định, sử dụng ánh sáng để đánh cá bằng lưới vây phải áp dụng cho ngư trường khơi xa.
Để giải quyết những bức xúc của dư luận về ánh sáng của nghề pha xúc làm chết cá, nổ mắt cá,… năm 2001, đề tài “Nghiên cứu tác động của sử dụng cường độ ánh sáng mạnh đối với một số loài cá nổi nhỏ và mực trong khai thác hải sản” của tác giả Vũ Duyên Hải kết luận: Trang bị công suất nguồn sáng trên các tàu cá như hiện nay không làm chết hay nổ mắt cá, mực và không ảnh hưởng lâu dài đến thị lực mắt các loài cá thí nghiệm; nhưng độ rọi sáng 198.400 lux (gấp 1,42 lần ánh sáng mạnh nhất của mặt trời tại trái đất) làm cho võng mạc mắt mực ống (loligo chinensis) bị phá huỷ và làm chết mực.
Năm 2001, đề tài “Nghiên cứu khai thác mực đại dương (Sthenoteuthis oualaniensis) và mực ống (Loligo spp) ở vùng biển xa bờ.” của tác giả Nguyễn Long tập trung nhiều cho nội dung sử dụng lưới chụp mực khai thác mực đại dương và đã đưa ra mô hình khai thác mực đại dương bằng lưới chụp mực. Tuy nhiên, đề tài đã đưa ra cách bố trí, trang bị nguồn sáng cho khai thác mực ống (loligo spp) bằng nghề chụp mực là: Trang bị 25 bóng x 500w và 2 bóng 1500w; 2 đinamo (9 kW + 17 kW). Các bóng lắp ở độ cao (3 – 3,5 m) so với boong tàu và lui vào cách đường thẳng đứng so với mép be tàu là (1 – 1,5 m) để tạo khoảng tối dưới bụng tàu cho mực nấp, có một bóng màu đỏ ở trung tâm để dụ mực vào lưới trước khi chụp. Kết quả của đề tài đã được chuyển giao thành công cho ngư dân tại Phú Hài – Tp. Phan Thiết, năng suất khai thác mực ống trung bình trong một đêm của tàu BTh6499TS đạt từ 107,6 – 229,9 kg/đêm. (Đoàn Văn Phụ, 2005).
Năm 2005, Kỷ yếu hội thảo toàn quốc về khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá - Bộ Thuỷ sản có bài viết về “Công suất nguồn sáng hợp lý cho nghề cá ánh sáng” của tác giả Vũ Duyên Hải đã kết luận là: Các tàu chụp mực hoạt động ở các vùng nước xa bờ nên trang bị công suất nguồn sáng từ 10 – 40 kW, tuỳ theo độ sâu ngư trường và nên sử dụng các bóng cao áp thuỷ ngân 500 – 1000 W/bóng, ánh sáng xanh hoặc tím.
Năm 2006, đề tài “Đánh giá trình độ công nghệ khai thác hải sản xa bờ” của tác giả Vũ Duyên Hải đã nêu trang bị và bố trí nguồn sáng cho nghề chụp mực là hầu hết mỗi tàu trang bị 2 Đinamo (10kAV - 20kAV) và (40kAV – 50kAV); mỗi tàu trang bị trung bình từ 30 – 50 bóng có công suất là 1000W; dùng 1 bóng đèn sợi đốt có công suất 1000W đề dụ mực.
Nguyễn Long (2007) đã nghiên cứu kết hợp giữa nghề lưới chụp mực với nghề câu vàng cá ngừ đại dương (đề tài “Nghiên cứu cải tiến và ứng dụng công nghệ mới trong nghề câu cá ngừ đại dương ở vùng biển Miền Trung và Đông Nam Bộ”). Mục đích của đề tài là xây dựng mô hình nghề câu vàng kết hợp nghề lưới chụp mực để khai thác mực đại dương làm mồi câu cá ngừ. Đề tài đưa ra hệ thống và trang bị nguồn sáng khai thác mực đại dương là: Nguồn điện sử dụng để tháp sáng các bóng đèn là dòng điện 3 pha được phát ra từ Đinamo 10 kAV; trang bị 2 bóng cao áp màu xanh (400w/bóng), 6 bóng cao áp màu trắng (400w/bóng), 1 bóng sợi đốt (300w/bóng) được lắp ở dọc 2 bên cabin của tàu; trang bị 1 bóng màu đỏ đề dụ mực (500w/bóng) lắp ở ngoài cabin mạn trái của tàu. Năng suất khai thác mực đại dương trong các chuyến thử nghiệm đạt 17,1 kg/mẻ; mẻ cao nhất đạt 55 kg/mẻ; đêm đánh bắt cao nhất đạt 202 kg/đêm.
Năm 2008 – 2009, đề tài “Nghiên cứu sử dụng ánh sáng đèn ngầm trong nước và ánh sáng màu cho nghề lưới vây xa bờ biển miền Trung và miền Nam” của tác giả Đoàn Văn Phụ đã tổ chức thí nghiệm mỗi vùng biển trên 2 tàu gồm: 1 tàu thí nghiệm, 1 tàu làm đối chứng. Trên tàu thí nghiệm vùng biển miền Trung được trang bị nguồn sáng: Mỗi loại ánh sáng màu được phát sáng với mức công suất là 4400 W (10 bóng 400HPS hoặc 10 bóng 400MH và 2 bóng 200MH). Ánh sáng trắng ngầm được phát sáng với mức công suất là 4000 W (2 bóng QWS2-200) và phát sáng thêm 400 W (02 bóng 200MH) ánh sáng trắng trên mặt nước (để đảm bảo cho an toàn hàng hải). Tàu đối chứng trang bị nguồn sáng: sử dụng ánh sáng trắng với công suất phát sáng trung bình là 4000 W và 4400W. Trên tàu thí nghiệm vùng biển miền Nam được trang bị nguồn sáng: Mỗi loại ánh sáng màu được phát sáng với mức công suất là 17.000W (25 bóng 400HPS, 6 bóng 1000MH và 5 bóng 200MH). Ánh sáng trắng ngầm được bố trí theo tuyến sáng với công suất phát sáng là 14000 W (7 bóng QWS2-200) và phát sáng thêm 3000W (03 bóng 1000MH) ánh sáng trắng trên mặt nước. Tàu đối chứng là: sử dụng ánh sáng trắng với công suất phát sáng trung bình là 16000W và 20000W. Các bóng đèn được bố trí ở ba phía của cabin tàu (phải, trái và sau lái). Độ cao treo các bóng đèn so với mặt nước là 3,0 - 4,5 m và góc chiếu sáng khoảng 40 - 500. Khoảng cách 2 tàu từ 1,5 – 2,5 hải lý và có kết quả như sau:
+ Ánh sáng đỏ có thể thu hút được cá tráo, cá bạc má, cá trác ngắn,… tập trung với mật độ cao sau khoảng 2 giờ thắp sáng nhưng thu hút kém hiệu quả đối với cá nục.
+ Ánh sáng vàng có thể thu hút được cá nục thuôn, cá nục sồ,… tập trung với mật độ cao, sau khoảng 30 phút thắp sáng nhưng thu hút kém hiệu quả hơn ánh sáng đỏ đối với cá tráo và cá bạc má. Đây là loại ánh sáng bắt gặp số lượng loài hải sản nhiều nhất (83 loài) so với các loại ánh sáng thử nghiệm.
+ Ánh sáng xanh chỉ thu hút được cá nục sồ tập trung với mật độ cao, sau khoảng 30 phút thắp sáng nhưng kém hiệu quả hơn các loại ánh sáng khác đối với cá tráo và cá bạc má. Đây là loại ánh sáng bắt gặp số lượng loài hải sản ít nhất (63 loài) so với các loại ánh sáng thử nghiệm.
+ Ánh sáng trắng có thể thu hút được nhiều loài như: cá bạc má, cá trác ngắn, cá ngừ (Thunnus spp.), cá sòng gió (Megalaspis cordyla),… tập trung với mật độ cao, sau khoảng 30 phút thắp sáng. Năng suất khai thác trung bình của ánh sáng trắng cao hơn ánh sáng trắng ngầm từ 2,05 - 3,12 lần và cao hơn các loại ánh sáng màu (đỏ, vàng và xanh) từ 1,69-2,90 lần. Đây là loại ánh sáng có hiệu quả sử dụng cao nhất trong các chuyến thí nghiệm.
+ Ánh sáng trắng ngầm có thể thu hút được cá nục thuôn, cá nục sồ,… tập trung với mật độ cao, sau khoảng 20 phút thắp sáng. Những loài cá còn lại không hiệu quả bằng ánh sáng trắng và ánh sáng đỏ.
Năm 2009, đề tài “Đánh giá hiện trang sử dụng nguồn sáng trên tàu lưới vây kết hợp ánh sáng khai thác hải sản xa bờ ở Đông Nam Bộ và khuyến cáo các giải pháp sử dụng nguồn sáng hợp lý” của tác giả Bùi Văn Tùng đã đưa ra công suất nguồn sáng, công suất máy phát điện và chủng loại bóng đèn đạt hiệu quả cao nhất là: Đội tàu có công suất < 250 cv trang bị công suất nguồn sáng trên tàu từ 5,0 ÷ < 10,0kW; công suất máy phát điện từ 8,0 ÷ 16,0 kVA; sử dụng bóng huỳnh quang 40W kết hợp bóng Metal Halide 1.000W hoặc bóng Superlighter 200W. Đội tàu có công suất ≥ 250 cv trang bị công suất nguồn sáng trên tàu từ 20,0 ÷ < 30,0kW; công suất máy phát điện từ 31,0 ÷ 48,0kVA; sử dụng bóng đèn Superlighter 200W kết hợp với bóng cao áp Metal Halide 1.000W.
* Các nghiên cứu của tác giả nước ngoài
Đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về tập tính sinh học của mực với nguồn sáng, trong đó có công trình nghiên cứu của P. M. J Woodhead (1966); Ben Yami, Ale Pichovich (1988) và Hamabe (1982) đã rút ra một số kết luận về tập tính của mực quan hệ với nguồn sáng trong biển như sau:
Mặc dù mực là động vật bậc thấp, nhưng mắt của mực rất tinh tường và có cấu tạo không khác gì mắt của các động vật có xương sống bậc cao. Nhiều thuyết cho rằng mực không có cảm nhận về màu sắc. Ánh sáng với các màu sắc khác nhau đối với mực giống như những luồng ánh sáng có độ chói khác nhau.
Mực phát hiện tốt các mồi giả có hệ số phản xạ xấp xỉ bằng 0 và cực đại. Con mực lao đến nguồn sáng chủ yếu là phản xạ thức ăn, nghĩa là để kiếm mồi. Khi say mồi, mực có thể lao đến vùng sáng 1000 lux. Mực luôn có phản ứng dương với nguồn sáng và nó thường tập trung ở vùng có độ chiếu sáng yếu. Mực tập trung với mật độ cao dưới đèn trong khoảng từ mặt nước đến độ sâu 30m. Nắm được đặc điểm này, người ta phải bố trí nguồn sáng phù hợp với từng loại tàu. Người ta phải tìm cách giảm cường độ chiếu sáng để dụ mực lên sát mặt nước trước khi thả lưới chụp mực.
Hiện nay, trên thị trường thế giới có bán các loại đèn điện có nhiều màu sắc khác nhau (xanh, vàng, đỏ, ...) để khai thác mực, chưa có được thông tin về tác động màu sắc, công suất đến hiệu quả khai thác mực. Theo các nghiên cứu thì trong môi trường nước hấp thụ đáng kể các ánh sáng màu đỏ, da cam, trái lại ánh sáng màu xanh nước biển và xanh lá cây ít bị hấp thụ nhất. Vì vậy, khi chiếu sáng bằng đèn màu xanh nước biển và xanh lá cây có thể giảm được tới 5 lần công suất phát sáng so với ánh sáng màu đỏ mà hiệu quả ánh sáng vẫn như nhau. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trên các đối tuợng là cá cho thấy ánh sáng màu có khả năng hút cá tốt nhất. Theo nghiên cứu của Canamôtô (1955) cho rằng: sự hấp dẫn của cá phụ thuộc vào bước sóng; đa số các loài cá bị hấp dẫn bởi ánh sáng màu xanh lá cây và màu xanh nước biển; ánh áng màu đỏ lôi quấn ít hơn.
Nhật Bản là nước đã sớm sử dụng rộng rãi ánh sáng điện vào thực tế đánh bắt nhiều loài cá từ năm 1900. Những năm 1975, 1976 ở Nhật Bản trang bị công suất nguồn sáng khai thác mực trên một đơn vị tàu từ 100 – 8.000 W, công suất nguồn sáng trên một bóng đèn khai thác mực từ 100 – 1.000 W. Sản lượng các nghề có sử dụng ánh sáng ở Nhật Bản chiếm khoảng 25% tổng sản lượng khai thác hàng năm. Nghề lưới vây ánh sáng của Nhật hiện nay sử dụng công suất nguồn sáng cực đại trên một xuồng đèn là 10kW và trên xuồng thăm dò là 7,5kW.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, nếu trang bị công suất nguồn sáng vượt quá 2,5kW/tấn trọng tải của tàu, thì mức ánh sáng đó có tác dụng tiêu cực đối với sinh vật biển.
Theo giáo sư Gunzo Kawamura, đa số các nước phát triển nghề đánh cá kết hợp ánh sáng đều dựa theo kinh nghiệm. Việc xác định các tiêu chuẩn nguồn sáng hợp lý cho từng nghề, đối tượng hay từng khu vực đánh bắt gặp nhiều khó khăn; xu hướng hoàn thiện nguồn sáng chỉ được áp dụng cho từng nước, chứ không thể xây dựng tiêu chuẩn nguồn sáng trong đánh bắt cá chung cho toàn thế giới. Hình ảnh trang bị nguồn sáng trên tàu câu mực của thế giới trong tài liệu (Handlining and squid jigging, FAO, 1992)
Ở Philippin, Indonesia nghề đánh cá kết hợp ánh sáng phát triển mạnh vào những năm 1960-1965. Ở các nước Nam Tư (cũ), Ý, Pháp cũng đã có nhiều thành công trong sử dụng nguồn ánh sáng điện để đánh cá. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn sáng và kỹ thuật lắp đặt nguồn sáng trên tàu ở các nước là khác nhau.
Theo kết quả nghiên cứu của đề tài “Bước đầu đánh giá hiệu quả cường độ chiếu sáng cho nghề lưới vây ở Thái Lan” đã đưa ra kết luận: Việc nâng cao công suất nguồn sáng có thể làm tăng hiệu quả tập trung đàn cá trên diện rộng, nhưng không có hiệu quả để giữ đàn cá quanh nguồn sáng; Khi dùng đèn chiếu sáng trên mặt nước, thay vì nâng công suất nguồn sáng thì nên nâng độ cao treo đèn sẽ có lợi hơn; Một đèn chiếu sáng trong nước có lợi hơn trong việc tăng độ sáng theo chiều thẳng đứng. Khi đặt một đèn có công suất 3kW hoặc 5kW ở độ sâu lớn hơn 5m ở ngư trường xa bờ sẽ bảo vệ được ấu trùng của nguồn lợi thuỷ sản.
Theo kết quả thí nghiệm của I.V Nhicônôrôp (1965) với các nguồn sáng có cùng công suất, thì sử dụng nguồn sáng với kích thước bóng đèn lớn đạt hiệu quả cao hơn bóng đèn có kích thước nhỏ.
Các công trình nghiên cứu về công nghệ khai thác hải sản bằng nghề lưới chụp đã mang lại những lợi ích thiết thực cho ngư dân. Tuy nhiên, nghề lưới chụp của nước ta phát triển tự phát, thiếu kiểm soát, kỹ thuật sử dụng nguồn sáng còn tuỳ tiện, thiếu khoa học, còn nhiều sự cạnh tranh nhau trong trang bị công suất nguồn sáng. Ngư dân chưa thể xác định được công suất nguồn sáng tối ưu để tăng hiệu quả khai thác. Hầu hết ngư dân có xu hướng tăng công suất nguồn sáng nhằm tăng lượng hải sản tập trung. Tuy nhiên, việc tăng công suất nguồn sáng sẽ không tăng được vùng tác dụng ánh sáng, thậm chí làm giảm hiệu quả sản xuất do phải tăng chi phí nhiên liệu, tác động xấu đến một số loài thủy sinh.
 
TNL – sưu tầm và tổng hợp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây