Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An

http://chicucthuysannghean.gov.vn


Xu hướng áp dụng công nghệ mới của người nuôi tôm

        Trong vài năm trở lại đây, cùng với định hướng và chính sách của tỉnh, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng đã quyết định đầu tư chuyển đổi hạ tầng cơ sở đồng thời áp dụng các công nghệ mới để giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường nuôi.
        Sau những chuyển biến cả về hình thức và cả kỹ thuật nuôi trong những năm qua thì nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành công lớn, rất đáng khích lệ. Sản lượng  nuôi tôm trên địa bàn năm 2015 đạt 6.784 tấn, năng suất 3,31 tấn/ha, đến năm 2022, sản lượng nuôi tăng lên 9.207 tấn (mức tăng đạt 35,7%, mỗi năm tăng trung bình 5,1%), năng suất bình quân đạt 4,07 tấn/ha (mức tăng đạt 23%, mỗi năm tăng gần 3,3%).
Tuy nhiên, sự phát triển của nghề nuôi tôm hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do môi trường và hạ tầng vùng nuôi xuống cấp, nhiều loại bệnh nguy hiểm xuất hiện, lây lan mạnh trên tôm nuôi như bệnh hoại tử gan tuỵ, bệnh vi bào tử trùng,… Hiệu quả nuôi tôm của bà con đi xuống rõ rệt, nhiều hộ chịu cảnh trắng tay do cứ thả giống sau một thời gian nuôi là phải thu hoạch sớm, bán tôm non hoặc chứng kiến tôm chết hàng loạt trong ao nuôi.
        Ông Hoàng Xuân Tin trú tại xóm Mai Giang 1, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu - người luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ mới trong nuôi tôm cho biết, năm 2019, chứng kiến tình trạng tôm thả nuôi trong vùng bị chết sau nhiều vụ nuôi liên tiếp dẫn đến thua lỗ, nhiều hộ nuôi cầm cố hết tài sản để vay vốn tiếp tục nuôi tôm với phương thức cũ, ông đã nghiên cứu, tìm hiểu và mạnh dạn đầu tư chuyển đổi hệ thống ao nuôi trên diện tích 8 ha của mình để xây dựng 01 nhà ương gièo có diện tích 500m2 và 04 ao nuôi lót bạt đáy có mái che, mỗi ao có diện tích: 2.500 m2 cùng với nâng cấp các ao chứa lắng, ao xử lý nước,… để áp dụng quy trình công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 02 giai đoạn ít thay nước - một quy trình nuôi mới được Tổng cục Thuỷ sản công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thuỷ sản. Với quy trình nuôi này, ban đầu, ông thả hơn 1 triệu con giống xuống ao ương gièo với mật độ ương 1200 con/m3 sau đó 20 ngày khi tôm giống đạt kích cỡ khoảng 1000 con/kg thì bung ra ao nuôi 2500 m2, sau gần 3 tháng nuôi, ông thu hoạch vụ đầu được 14 tấn, lãi gần 450 triệu đồng. Ông cho biết, với quy trình này, mỗi năm ông có thể nuôi được 3 đến 4 vụ trong khi nuôi truyền thống, tối đa chỉ nuôi được 2 vụ/năm; mật độ nuôi cao hơn 2-3 lần, tiết kiệm được chi phí cải tạo và chăm sóc ban đầu, quá trình chăm sóc tôm cũng thuận lợi hơn do môi trường nuôi luôn được cung cấp đầy đủ oxy hoà tan, không bị ô nhiễm nước từ thức ăn thừa, tảo tàn hay xác lột do các giai đoạn nuôi đều tiến hành xi phon đáy bài bản, đặc biệt ở giai đoạn ương nuôi ban đầu trong nhà có mái che nên tôm không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong vùng, khi bung ra ao nuôi hoàn toàn khoẻ mạnh, mau lớn; nhờ đó, ông đã đạt được hiệu quả ngay vụ đầu ứng dụng phương thức nuôi mới.
Ảnh: Kiểm tra tôm trong bể ương gièo ứng dụng công nghệ mới
         Cũng theo ông Tin, hiện nay ông đang ứng dụng một quy trình công nghệ nuôi mới song song với quy trình nuôi siêu thâm canh nhiều giai đoạn. Đó là quy trình nuôi tôm tái sử dụng nước theo công nghệ tuần hoàn khép kín. Lý do ông áp dụng mô hình nuôi tôm mới là do do quy trình nuôi nhiều giai đoạn có lượng chất thải xi phon trong quá trình nuôi hơi nhiều, dễ gây ô nhiễm môi trường đồng thời mầm bệnh có thể xâm nhập vào gây bệnh cho tôm nuôi khi thay nước. Vì vậy mà cuối năm 2022, ông lại mạnh dạn đầu tư thay đổi kết cấu ao nuôi để áp dụng quy trình mới với sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Với bể nuôi thương phẩm 700 m2, sau quá trình ương gièo, ông đã thả trên 3 vạn con giống kích cỡ loại 1.000 con/kg với mật độ nuôi xấp xỉ 450 con/m2, sau gần 3 tháng thả nuôi, ông thu hoạch được 4 tấn tôm, thu lãi gần 400 triệu đồng. So với quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 02 giai đoạn ít thay nước thì khi áp dụng quy trình nuôi mới này, ông phải đầu tư cải tạo lại ao nuôi với diện tích nhỏ hơn nhiều so với ao nuôi cũ và bố trí thêm không gian để đặt hệ thống bể lọc tuần hoàn, bể tách phân nhưng bù lại trong quá trình nuôi, không phải thay nước nhiều như trước đây mà chỉ bổ sung thêm lượng ít nước hao hụt, hàm lượng khí độc NH3 luôn được duy trì trong ngưỡng cho phép khi nuôi dài ngày với mật độ cao, tôm phát triển tốt, màu tôm khi thu hoạch đẹp, chất thải từ ao nuôi được thu lại nhờ máy tách phân nên bảo vệ được môi trường vùng nuôi; chi phí đầu tư chuyển đổi hệ thống ao tương đối cao nhưng là cần thiết với thực tế sản xuất do ao nuôi nhỏ, thuận tiện hơn cho quá trình chăm sóc, quản lý, hạn chế được tối đa lây lan dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững cho môi trường nuôi tôm.
           Tại xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, sau hàng chục năm nuôi ao lót bạt trên cát, ông Nguyễn Cường cũng đã nhận ra những bất cập, hạn chế của phương thức nuôi tôm cũ. Năm 2022, được sự hỗ trợ từ chính sách phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ mới của tỉnh, ông đã mạnh dạn chuyển đổi trên quy mô diện tích hơn 1,7 ha để đầu tư xây dựng 02 bể ương gièo mỗi bể có diện tích 200 m2 và 09 ao nuôi, mỗi ao có diện tích trên 1.000 m2 cùng với hệ thống ao chứa, lắng, xả thải để nuôi theo quy trình công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh nhiều giai đoạn ít thay nước. Với 1,2 triệu con giống thả nuôi, ở giai đoạn 1, tôm được ương trong bể ương gièo với mật độ lên đến 4.000 con/m2 trong 30 ngày,  sau đó chuyển sang nuôi giai đoạn 2 ở ao nuôi với mật độ 600 con/m2 trong 1 tháng, và cuối cùng là chuyển sang ao nuôi giai đoạn 3 đến khi thu hoạch. Sau thời gian 3 tháng, ông đã thắng lợi ngay ở vụ thu hoạch đầu tiên với 14 tấn tôm thương phẩm, kích cỡ trung bình 70 con/kg, lợi nhuận đạt gần 900 triệu đồng. Theo ông Cường, khi áp dụng quy trình này, chi phí để xây dựng hệ thống ao và vận hành trong thời gian nuôi là tương đối cao nhưng bù lại, một người có thể dễ dàng chăm sóc, quản lý được nhiều ao/bể nuôi, tôm được nuôi, tôm ít bị bệnh và nếu tôm mắc bệnh thì cũng dễ phát hiện cũng như dễ xử lý hơn nuôi ao truyền thống ngoài trời, giảm được chi phí, năng suất và hiệu quả sản xuất cao hơn, bảo vệ môi trường nuôi; mỗi năm ông có thể thu hoạch được nhiều lứa hơn so với cách nuôi cũ nhờ thực hiện phương pháp ương gièo, nuôi gối ao.
         Ông Trần Xuân Quang - Trưởng phòng Nuôi trồng thuỷ sản, Chi cục Thuỷ sản, cho biết, trong thời gian qua việc áp dụng và nhân rộng mô hình công nghệ cao trong nuôi tôm theo hình thức thâm canh, siêu thâm canh để nâng cao giá trị sản xuất, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu và yêu cần của thị trường đang được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm và chỉ đạo các cấp, ngành liên quan triển khai thực hiện, với mục tiêu đến năm 2025, có 550 ha nuôi tôm toàn tỉnh ứng dụng công nghệ cao. Cùng với sự quan tâm đó, tỉnh cũng đã kịp thời ban hành chính sách để hỗ trợ cho người nuôi tôm chuyển đổi sang phương thức ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; có 17 cơ sở nuôi đã được tỉnh hỗ trợ để ứng dụng công nghệ cao vào trong quá trình nuôi tôm.
Cũng theo ông Quang, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều quy trình công nghệ mới được bà con tiên phong đưa vào ứng dụng thành công, đạt được hiệu quả cao trong sản xuất đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn môi trường như mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGap, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh nhiều giai đoạn, mô hình nuôi tôm tái sử dụng nước theo công nghệ tuần hoàn khép kín, mô hình nuôi ứng dụng công nghệ Bifloc,… Với sự ưu việt đó, đã có trên 70 hộ áp dụng các quy trình công nghệ mới để nuôi tôm với tổng diện tích trên 200 ha; tuy nhiên, khi đưa vào áp dụng, bà con cần nghiên cứu kỹ về điều kiện cơ sở nuôi, vốn đầu tư, trình độ kỹ thuật,… để có thể vận hành một cách hiệu quả và phù hợp nhất.
Cảnh Hoàng - Phòng Nuôi trồng thủy sản
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây