Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An

http://chicucthuysannghean.gov.vn


NÂNG CAO Ý THỨC CỦA THUYỀN TRƯỞNG TRONG VIỆC ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO TÀU THUYỀN VƯƠN KHƠI TRONG MÙA MƯA BÃO

Mùa mưa bão tới gần cũng là thời điểm tai nạn tàu cá gia tăng và với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khó lường theo chiều hướng xấu. Hàng năm, nước ta luôn phải hứng chịu nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của ngư dân trên biển. Mặc dù năng lực phòng chống thiên tai ngày càng được nâng cao, nhưng trước tình hình biến đổi khí hậu khó lường, vấn đề đảm bảo an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên biển luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan chức năng và các địa phương ven biển, đòi hỏi công tác chủ động phòng chống thiên tai ngày càng phải được tăng cường và điều chỉnh kịp thời, bám sát với thực tế nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
image 20210427090750 1

Để thực sự có những chuyến biển an toàn, hiệu quả bà con ngư dân cần nâng cao ý thức của chính mình trong việc chuẩn bị cho những chuyến hành trình vươn khơi như: kiểm tra máy móc; thân, vỏ tàu, các trang thiết bị an toàn hàng hải, hệ thống thông tin liên lạc tầm xa, thiết bị giám sát hành trình, cứu sinh, cứu hỏa trước lúc  rời bến theo dõi nắm bắt kịp thời mọi thông tin thời tiết trên biển.
Trong trường hợp có bão, chủ tàu và thuyền trưởng có trách nhiệm:
a) Đôn đốc thuyền viên, người làm việc trên tàu cá trực tàu và sẵn sàng điều động tàu ứng phó với bão, lũ và hỗ trợ các tàu cá khác khi có tai nạn xảy ra;
b) Khi bão xa: thông báo cho thuyền viên, người làm việc trên tàu cá biết đồng thời kiểm tra các trang thiết bị an toàn và thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết trên Đài Tiếng nói Việt Nam; liên lạc chặt chẽ với đài thông tin duyên hải và thông tin cho các tàu cá khác đang hoạt động trong cùng khu vực;
c) Khi bão gần: thông báo cho thuyền viên, người làm việc trên tàu cá biết, nhanh chóng ra lệnh thu lưới và rời khỏi ngư trường để về nơi an toàn gần nhất; thông tin cho các tàu cá khác đang hoạt động trong cùng khu vực;
d) Khi có tin bão khẩn cấp: phải ra lệnh cho thuyền viên, người làm việc trên tàu cá mặc áo phao cá nhân, đưa trang thiết bị cấp cứu vào vị trí sẵn sàng ứng cứu và đưa tàu cá đến nơi an toàn gần nhất; điều động tàu cá và thuyền viên, người làm việc trên tàu cá của mình ứng cứu khi phát hiện có người và tàu cá khác bị nạn;
Trong trường hợp bất khả kháng, thuyền trưởng có quyền quyết định sử dụng các biện pháp cấp bách để kịp đưa tàu cá đến nơi an toàn.
đ) Khi tàu cá đang trong vùng bão: phải trực tiếp điều khiển và chỉ huy phương tiện của mình; sử dụng mọi biện pháp và kinh nghiệm để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Kịp thời thông báo cho đài thông tin duyên hải và các tàu cá gần nhất biết về vị trí tàu cá của mình đang hoạt động và phát tín hiệu cấp cứu khi phương tiện bị tai nạn; tham gia ứng cứu khi phát hiện người và tàu cá khác bị nạn;
e) Khi bão tan: phải báo cáo kịp thời với chủ tàu, chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc nơi tàu cá di chuyển đến về tình trạng người và tàu cá của mình, đồng thời tự kiểm tra lại điều kiện an toàn của tàu cá trước khi hoạt động trở lại.                                                                                 
                                                                              Nguồn: Trạm Bờ - Chi cục Thủy sản
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây