Tọa đàm kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959-1/4/2024)
Sáng nay, vào ngày 30/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã phối hợp với Hội Nghề cá tỉnh tổ chức tọa đàm kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959-1/4/2024).
Tham dự Lễ toạ đàm có các đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đống chí Phùng Thành Vinh - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các đồng chí nguyên lãnh đạo, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp ngành Thủy sản, Ban chấp hành Hội nghề cá tỉnh và các ban ngành, đơn vị liên quan.
Cách đây tròn 65 năm, vào ngày 01/4/1959, Hồ Chủ Tịch đã tới thăm đảo Cát Bà và căn dặn: “Rừng vàng, biển bạc của ta, do dân ta làm chủ.”. Lời dặn của Bác đã được chính quyền và bà con ngư dân ghi nhớ thực hiện và câu nói này đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc. Để ghi nhớ sự kiện này cũng như bày tỏ lòng kính yêu đối với Bác, năm 1979, ngành Thủy sản đã chọn ngày 01/4 hàng năm để tổ chức “Ngày hội truyền thống Ngành thủy sản”. Và đến năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định lấy ngày 01/4 hàng năm làm ngày Truyền thống Ngành Thủy sản Việt Nam.
Những năm gần đây ngành Thủy sản Nghệ An đã có bước phát triển vững chắc, có những đóng góp tích cực góp phần vào thành tích chung của kinh tế tỉnh nhà nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng. Cụ thể: Tốc độ phát triển tổng sản phẩm (GRDP) toàn ngành Nông nghiệp năm 2023 tăng 4,54% so với năm 2022, trong đó thủy sản đóng góp tăng 5,3%. Tỷ trọng ngành Thủy sản trong cơ cấu kinh tế của toàn ngành Nông nghiệp tăng dần hàng năm, đến nay đã chiếm 16,03%.
Trải qua 65 năm cần cù, lao động sáng tạo, vượt khó để phát triển, ngành Thuỷ sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đạt tốc độ tăng trưởng cao, từ vài trăm chiếc thuyền thủ công, đến nay toàn tỉnh đã có đội tàu đánh cá với 3.455 chiếc, với tổng công suất đạt hơn 691.000 CV (công suất bình quân đạt 281 CV/tàu). Trong đó có 1.100 chiếc tàu trên 15m công suất lớn, được trang bị hiện đại trong hoạt động khai thác hải sản xa bờ.
Cơ sở hậu cần nghề cá ngày càng được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng với nhu cầu phát triển. Hiện tại toàn tỉnh có 04 cảng cá được đầu tư xây dựng và 05 khu neo đậu tránh trú bão đã được công bố đủ điều kiện hoạt động với tổng sức chứa đạt 2.000 tàu thuyền các loại, bằng 65% công suất neo đậu so với quy hoạch; có 41 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền ngày càng được đầu tư cả về số lượng lẫn quy mô.
Sản lượng khai thác không ngừng tăng tăng về số lượng cũng như chất lượng: Năm 2005 là 50.835 tấn đến năm 2023 đạt 207.168,7 tấn.
Diện tích nuôi trồng thuỷ sản năm 2023 đạt 22.351 ha. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 70.789 tấn. Sản xuất giống thủy sản cả năm 2023 đạt 4.545 triệu con.
Chế biến thủy sản chuyển dần từ nhỏ lẻ sang chế biến tập trung, công nghiệp chế biến phát triển, giá trị XKTS tăng mạnh (2021-2022: 75 triệu – 90 triệu USD/năm; năm 2023: Gần 150 triệu USD).
Với những kết quả trên, ngành Thuỷ sản đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng chủ quyền của đất nước. Khai thác và nuôi trồng thuỷ sản là nghề truyền thống có thế mạnh của chúng ta, với vùng biển rộng lớn có sinh vật đa dạng phong phú, trữ lượng hải sản lớn đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động trực tiếp và hàng chục vạn lao động dịch vụ nghề cá. Tiềm năng, thực tế đã và đang tạo nền tảng, cơ hội cho chúng ta từng bước trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những thành tựu mà ngành Thủy sản tỉnh nhà đã đạt được trong thời gian qua cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến, phát triển thị trường và hội nhập quốc tế, góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh nhà cũng như tăng cường sự hiện diện khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn ngành Thủy sản cần xác định mục tiêu, đề ra các giải pháp hiệu quả để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, cụ thể:
- Thứ nhất: Tập trung phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ với các nghề chọn lọc, có giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường; Ưu tiên chuyển đổi một số nghề khai thác thủy sản có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, các nghề cấm nhằm giảm cường lực khai thác thủy sản trên các vùng biển; đẩy mạnh phát triển các nghề khai thác hải sản xa bờ theo hướng công nghiệp gắn khai thác bền vững với phát triển nguồn lợi thủy sản. Hiện đại hóa công tác quản lý tàu cá, công tác đảm bảo an toàn cho tàu cá;
- Thứ hai: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch, Đề án, Dự án nhằm đưa Nghệ An trở thành Trung tâm giống thủy sản của khu vực Bắc Miền Trung và các tỉnh phía Bắc; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nâng cao năng lực, đầu tư trang thiết bị và ứng dụng chuyển giao các công nghệ cao trong sản xuất giống, nhằm sản xuất ra con giống tăng trưởng nhanh, sạch bệnh và sức chống chịu cao. Đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân có thương hiệu uy tín trên thị trường và có tiềm lực kinh tế để đầu tư sản xuất, ương dưỡng tôm giống, khu chế biến thủy sản tập trung tại tỉnh nhà;
- Thứ ba: Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, Quy chuẩn, Tiêu chuẩn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Chuyển giao khoa học công nghệ, các giải pháp kỹ thuật nuôi mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
- Thứ tư: Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức sản xuất theo hình thức quản lý cộng đồng, phát triển mô hình kinh tế Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Trang trại. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững trong ngành thủy sản giúp người dân ổn định sản xuất và thu nhập
- Thứ năm: Đặc biệt, hiện nay chúng ta đang trong giai đoạn nước rút cần nỗ lực, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp theo khuyến nghị của Uỷ ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhằm đạt mục tiêu cùng với cả nước sớm gỡ bỏ cảnh báo "Thẻ vàng" trong đợt thanh tra thứ 5 sắp tới của EC.
Cũng tại buổi toạ đàm, để biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đã đóng góp vào sự phát triển của ngành Thủy sản; tạo khí thế mới trong phong trào thi đua đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động, trong ngành trong thời gian qua, đồng thời tri ân, ghi nhận những đóng góp của các tập thể, cá nhân vào thành tích chung của ngành Thủy sản của Nghệ An. Sở Nông nghiệp và PTNT đã trao giấy khen cho 6 tậ thể và 8 cá nhân " Đã có nhiều thành tích trong quá trình xây dựng và phát triển ngành thủy sản tỉnh Nghệ An"
Một số hình ảnh tại buổi toạ đàm:
Phòng Hành chính, tổng hợp