Ngày 12/4/2025 tại Cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu, Đoàn công tác do đồng chí Trần Xuân Học, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có buổi kiểm tra công tác triển khai thí điểm lắp đặt thiết bị, công cụ hỗ trợ Nhật ký điện tử cho 12 chủ tàu cá đầu tiên ở tỉnh Nghệ An. Cùng đi với đoàn có đồng chí Mai Hồng Phong, Chi cục trưởng, Chi cục thuỷ sản và Kiểm ngư, đồng chí Phan Tiến Chương, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Nghệ an, đại diện Công ty TNHH Hiệp Lực phát triển Việt (công ty lắp đặt và cung cấp thiết bị).
Theo Luật thuỷ sản và các văn bản có liên quan, việc ghi chép nhật ký khai thác thuỷ sản là quy định bắt buộc đổi với tàu cá có chiều dài từ 12 mét trở lên. Đây là việc làm quan trọng trong công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuỷ sản khai thác, giám sát thống kê sản lượng khai thác, giúp cơ quan quản lý theo dõi, giám sát tàu cá khai thác đúng vùng, đúng quy định của pháp luật, ngăn ngừa tàu cá khai thác trái phép trên các vùng biển.

Cảng cá Lạch Quèn, Quỳnh Lưu, Nghệ An (ảnh Thành Luân)
Hiện tỉnh Nghệ An có khoảng hơn 1400 tàu cá (có chiều dài từ 12 mét trở lên) thuộc diện phải ghi chép nhật ký khai thác thuỷ sản, trong thời gian qua việc ghi chép nhật ký khai thác thuỷ sản (KTTS) được thực hiện bằng tay do các chủ tàu/thuyền trưởng ghi và nộp cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên việc ghi nhật ký KTTS bằng giấy vẫn còn nhiều bất cập. Đó là, ghi chưa chính xác, ghi không đầy đủ thành phần loài thủy sản trong nhật ký khai thác so với thành phần loài thủy sản khi bốc dỡ thực tế; nhật ký thiếu thông tin; ghi sai lệch vị trí tọa độ trong nhật ký khai thác với vị trí tọa độ trong giám sát hành trình tàu cá; hồi ký lại nhật ký KTTS dẫn đến sai lệch các thông tin so với thực tế, đặc biệt nhiều chủ tàu thực hiện việc viết nhật ký bằng tay rất khó khăn, chữ viết không rõ ràng, tẩy xoá…

Lãnh đạo Sở và đoàn công tác khảo sát ứng dụng đồng bộ Nhật ký điện tử trên máy tính tại BQL Cảng cá Lạch Quèn (ảnh Thành Luân)
Tại buổi khảo sát và kiểm tra công tác triển khai lắp đặt Nhật ký điện tử, đại diện nhà cung cấp đã trình bày các tính năng, cách thức vận hành trong ứng dụng thiết bị Nhật ký điện tử đối với chủ tàu cá và cơ quan quản lý. Qua kiểm tra Đoàn công tác cũng đánh giá cao các tiện ích đối với ứng dụng, là giải pháp khắc phục các khó khăn đối với nhật ký viết tay thông thường như hiện nay. Thay vì cách ghi chép thủ công, với nhật ký điện tử, dữ liệu thu thập được là dữ liệu số, thông qua các thiết bị số, việc sử dụng thiết bị giúp người ghi thực hiện dễ dàng chỉ bằng các thao tác trên thiết bị Smartphone mà không cần kết nối mạng internet do vậy có thể thực hiện
trên các vùng biển xa bờ…

Giao diện ứng dúng Nhật ký điện tử trên máy điện thoại của chủ tàu (ảnh CTV)
Qua buổi kiểm tra đồng chí Trần Xuân Học đánh giá cao về các tính năng của ứng dụng Nhật ký điện tử, đây là một trong những công cụ giải pháp thúc đẩy công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực thuỷ sản nói riêng. 12 chủ tàu cá được lắp đặt thí điểm đầu tiên của tỉnh trong lần này là các chủ tàu cá khai thác xa bờ, được nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí lắp đặt, tuy nhiên để nhân rộng mô hình và được sự hỗ trợ của nhà nước đối với các chủ tàu cá khác trong thời gian tới cần có chính sách, định hướng của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan trung ương, trước mắt khuyến khích các chủ tàu tự lắp đặt để thuận tiện trong công tác ghi chép nhật ký khi tham gia khai thác thuỷ sản trên biển. Việc nhân rộng ứng dụng này cũng cần có thời gian để đánh giá hiệu quả cũng như ưu, nhược điểm của Nhật ký điện tử đối với chủ tàu/thuyền trưởng và các cơ quan quản lý chuyên ngành, từ đó sẻ có các kiến nghị, đề xuất các cơ quan trung ương đưa vào Luật định.
Biện Thành Luân – Phòng Kiểm ngư – Chi cục Thuỷ sản và Kiểm ngư