Tổng sản lượng thủy sản tháng 3/2019 ước đạt 479 nghìn tấn

Thứ hai - 15/04/2019 20:32 1.058 0
Ngày 08/4/2019, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Cuộc họp giao ban nhằm đánh giá kết quả công tác quý I, lên kế hoạch triển khai nhiệm vụ tháng 4. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã đến dự và chỉ đạo cuộc họp.

Kết quả sản xuất thủy sản quý I

Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản, tổng sản lượng thủy sản tháng 3/2019 ước đạt 479 nghìn tấn, trong đó: sản lượng khai thác thủy sản đạt xấp xỉ 300 nghìn tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 181 nghìn tấn. Trong quý I, tổng sản lượng ước đạt 1.467 nghìn tấn (tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 18% kế hoạch năm 2019), trong đó: sản lượng khai thác 820 nghìn tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản 646 nghìn tấn.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản nửa đầu tháng 3/2019 (tính từ ngày 1/3-15/3) đạt 322 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế kim ngạch xuất khẩu đạt 1.430 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến đến hết quý I, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1.795 triệu USD (tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 17% kế hoạch năm 2019).

Nhìn chung, tình hình sản xuất khai thác và nuôi trồng thủy sản 3 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng ổn định và vượt kế hoạch đề ra: So sánh kết quả đã đạt được trong quý I với Kế hoạch tăng trưởng ngành Thủy sản năm 2019, tổng sản lượng thủy sản tăng 1%, trong đó: sản lượng khai thác thủy sản tăng 1,7%; sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 0,2%. Trái lại, kim ngạch xuất khẩu quý I chỉ đạt 78,5% so với Kế hoạch tăng trưởng 2019.

Nuôi trồng thủy sản

Quý I, cả nước đã sản xuất được 17,7 tỷ con tôm giống phục vụ cho nhu cầu thả nuôi. Tính đến ngày 18/3/2019, diện tích thả nuôi tôm nước lợ luỹ kế là 435 nghìn ha (bằng 101,6% so với cùng kỳ 2018), trong đó: diện tích thả nuôi tôm sú là 420 nghìn ha (bằng 101,4% so với cùng kỳ năm 2018); diện tích thả tôm chân trắng là 15 nghìn ha (bằng 106,9% so với cùng kỳ năm 2018). Sản lượng quý I ước đạt 89.950 tấn (tăng 6,4% so với cùng kỳ 2018), trong đó: sản lượng tôm sú là 43.900 tấn, sản lượng tôm chân trắng là 46.050 tấn. Tại khu vực miền Bắc, giá tôm thẻ chân trắng tươi sống cỡ 70-75 con/kg dao động từ 160.000-170.000 đồng/kg; tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá tôm thẻ chân trắng ướp đá cỡ 80-100 con/kg là 85.000-86.000 đồng/kg.

Đối với cá tra, diện tích thả nuôi mới tính đến 17/3/2019 là 879 ha (tăng 42% so với cùng kỳ 2018), lũy kế từ đầu năm đạt 2.146 ha (tăng 11,2% so với cùng kỳ 2018). Diện tích thu hoạch lũy kế là 585 ha (tăng 18,4% so với cùng kỳ 2018). Sản lượng luỹ kế là: 273.180 tấn (tăng 13,8% so với cùng kỳ 2018). Giá cá tra thương phẩm và cá tra giống đều giảm: Cá tra thương phẩm loại 1 hiện dao động trong khoảng 24.000-24.500 đồng/kg; Cá tra giống dao động từ 40.000-43.000 đồng/kg (cỡ 2 cm; mẫu 30 con/kg) và 65.000-70.000 đồng/kg (cỡ 1,5 cm; mẫu 70 con/kg).

Giá cá nguyên liệu giảm mạnh so với đầu năm do các nguyên nhân: Diện tích thả nuôi mới tăng 42% so với cùng kỳ 2018, diện tích thu hoạch tăng 18,4% so với cùng kỳ 2018 và sản lượng thu hoạch tăng 13,8% so với cùng kỳ 2018. Bên cạnh đó, sức mua từ thị trường Trung Quốc giảm (do có nguồn cung từ quốc gia khác và tâm lý chờ giá xuống).

Khai thác thủy sản

Quý I là thời điểm giữa vụ cá Bắc, một số nghề khai thác cá đáy đạt năng suất khá, giá cá tăng, nên mặc dù số ngày bám biển của ngư dân giảm nhưng vẫn đảm bảo thu nhập.

Định hướng triển khai nhiệm vụ tháng 4

Theo ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, các nhóm cá nổi nhỏ, mực, bạch tuộc và cá ngừ là những đối tượng giúp tăng trưởng xuất khẩu. Ông Hùng cho rằng, Tổng cục Thủy sản cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị/tổ chức như Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Thú y, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) để đánh giá thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; Đồng thời, triển khai tốt Đề án “phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước” để tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.

Đối với lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi, Tổng cục cần chỉ đạo địa phương khai thác theo các nhóm ngành nghề; Tiến hành rà soát, công bố cảng cá chỉ định; Giao hạn ngạch giấy phép khai thác cho các tỉnh; Cấm/Hạn chế khai thác ven bờ nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác bền vững và thể hiện trách nhiệm với Nghề cá thế giới.

Ông Trần Đình Luân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, nhờ có sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ mà ngành Thủy sản duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, ông Luân cũng đã nêu những vấn đề nổi cộm trong công tác sản xuất nuôi trồng thủy sản mà ngành cần có hướng chỉ đạo giải quyết. Đó là nạn hạn hán, xâm nhập mặn với tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề môi trường nuôi (ngao, tôm hùm); Giá cá tra giống và cá thương phẩm giảm... Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030 đã có nhưng các địa phương phải có kế hoạch triển khai thực hiện, khai thác các lợi thế tôm-lúa, tôm-rừng, tôm quảng canh.

Đối với liên kết chuỗi, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh “không liên kết thì không giải quyết được việc”. Trước mắt, cần chọn một số tỉnh trọng điểm triển khai liên kết chuỗi, tạo làn sóng lan tỏa cho các tỉnh khác học tập. Ngành Thủy sản cũng cần phấn đấu để sớm có sản phẩm “Cá tra philê chất lượng cao” giúp thay đổi hình ảnh cá tra Việt Nam. Ngoài ra, cần phát triển mạnh nghề nuôi biển; đa dạng hóa một số đối tượng nuôi; đẩy mạnh sản xuất theo VietGAP...

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh 60 năm truyền thống ngành Thủy sản là động lực cho ngành phát triển trong năm nay và các năm tiếp theo. Quý I vừa qua, Tổng cục đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thủy sản 2017, tổ chức 05 hội nghị chuyên ngành và một số hội thảo, đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Thứ trưởng chỉ đạo: Đối với Luật Thủy sản và các văn bản dưới Luật, cần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng hơn (không chỉ dừng lại ở việc phổ biến tại Hội nghị). Phải có giải pháp gỡ thẻ vàng (nhất là phải có sự sẵn sàng vào cuộc của các tỉnh). Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản phải tham mưu sớm, tham mưu quyết liệt, nội dung sâu và sắc nét để Lãnh đạo Bộ có phương án chỉ đạo, quản lý tốt tất cả các khâu (từ giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, thời tiết, môi trường, dịch bệnh). Tương tự với lĩnh vực khai thác thủy sản, cũng cần chỉ đạo quyết liệt, cụ thể.

Thứ trưởng nhấn mạnh, nội lực là quyết định. Cần chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu quý. Ngành Thủy sản cần rà soát lại Kịch bản tăng trưởng năm 2019 để có giải pháp cụ thể, chỉ như vậy mới đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Ngọc Thúy – FICen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
qc tc
ql cs
pmsh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay13,895
  • Tháng hiện tại423,409
  • Tổng lượt truy cập14,261,581
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây