Tình trạng tàu cá bị mất tín hiệu kết nối dài ngày trên hệ thống Giám sát tàu cá đáng báo động

Thứ năm - 09/03/2023 20:36 414 0
          Qua theo dõi trên hệ thống Giám sát tàu cá, tình trạng tàu cá bị mất tín hiệu kết nối dài ngày hiện nay chiếm số lượng rất lớn, đáng báo động. Nếu tình trạng này không được quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả tháo gỡ thẻ vàng IUU.

Ảnh minh họa
          Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin thủy sản, là đơn vị quản lý theo dõi, vận hành Hệ thống giám sát tàu cá tại Tổng cục Thủy sản; tính đến ngày 01/3/2023, số lượng tàu cá từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 28.787/29.791 tàu cá (đạt tỉ lệ 96,62%). Tuy nhiên, tình hình duy trì hoạt động của thiết bị trên tàu cá có kết nối trung bình hàng ngày còn thấp so với số lượng đã lắp (chỉ đạt khoảng 50%). Bên cạnh một số địa phương có tỉ lệ tàu cá kết nối cao hàng ngày từ 70-80% như Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Các địa phương ven biển còn lại có tỉ lệ tàu cá kết nối hàng ngày thấp như Đà Nẵng (5%), Thừa Thiên Huế (13%), Quảng Trị (16%), Hà Tĩnh (17%), Thanh Hóa (22%), Quảng Ngãi (23%), Nghệ An (27%)...
         Tính đến ngày 01/3/2023, số lượng tàu cá bị mất kết nối trên 6 tháng qua hệ thống giám sát tàu cá là 4.792 tàu (chiếm 17% so với tổng số lượng tàu đã được lắp đặt có trên hệ thống). Các tỉnh có số lượng tàu bị mất kết nối nhiều như: Thanh Hóa (638/1132 chiếm 56%); Hà Tĩnh (41/100 chiếm 41%); Đà Nẵng (175/572 chiếm 31%), Quảng Ngãi (820/2959 chiếm 28%), Quảng Ninh (56/226 chiếm 25%)...
          Đối với tàu cá bị mất kết nối trên 1 năm là 2.372 tàu (chiếm 8% so với tổng số lượng tàu đã được lắp đặt có trên hệ thống GSTC). Các tỉnh có số lượng tàu bị mất kết nối nhiều trên 10% như: Thanh Hóa (312/1132 chiếm 28%), Hà Tĩnh (23/100 chiếm 23%), Quảng Ninh (chiếm 19%), Nam Định (chiếm 16%), Bình Thuận (265/1950 chiếm 14%), Quảng Ngãi (390/2959 chiếm 13%), Khánh Hòa (chiếm 12%), Trà Vinh (12%)…
          Đặc biệt, nhiều tàu cá đã bị mất kết nối từ năm 2019, 2020 cho đến nay vẫn chưa có tín hiệu trở lại trên hệ thống giám sát tàu cá. Cụ thể, năm 2019 có 31 tàu, trong đó Kiên Giang 25 tàu; Bà Rịa Vũng Tàu 2 tàu; Phú Yên 2 tàu; Cà Mau 1 tàu; Nam Định 1 tàu. Năm 2020 có 567 tàu, trong đó các tỉnh có số lượng nhiều như Quảng Ngãi 85 tàu; Bình Định 73 tàu; Kiên Giang 67 tàu; Bình Thuận 59 tàu; Bà Rịa Vũng Tàu 44 tàu; Khánh Hòa 37 tàu; Quảng Nam 31 tàu; Nam Định 25 tàu; Quảng Bình 25 tàu...
          Với thực trạng số lượng tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng không duy trì hoạt động còn nhiều đã gây khó khăn trong việc kiểm soát của cơ quan quản lý. Thực tế, nhiều tàu cá di chuyển ngư trường tắt thiết bị giám sát hành trình nhưng địa phương chưa nắm được tàu hiện đang ở đâu. Tàu không ra vào cảng chỉ định trong thời gian dài (tính trung bình hiện nay mới kiểm soát dưới 20% sản lượng ra vào cảng). Ngoài ra, hiện nay tình trạng chủ tàu và ngư dân cố ý tự tháo lắp thiết bị giám sát hành trình khi đang khai thác trên biển gửi sang tàu khác đang diễn ra có tổ chức rất tinh vi nhằm đưa tàu cá khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
           Do vậy, để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, giám sát tàu cá, các địa phương cần thật sự nghiêm túc hơn nữa công tác theo dõi, phát hiện, kiểm tra, xử lý các tàu cá vi phạm liên quan đến thiết bị VMS. Trước hết là tuyên truyền dưới mọi hình thức cho ngư dân hiểu việc mất kết nối trên 10 ngày trên biển nếu tàu không vào bờ sẽ bị xử lý theo quy định. Cần xử lý thật nghiêm các tàu cá vi phạm quy định về VMS nhằm răn đe đảm bảo tính thượng tôn pháp luật. Các cảng cá, văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát cần sử dụng hệ thống để kiểm soát một cách hiệu quả trong việc ra vào cảng, truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm; cần giám sát chặt chẽ việc niêm phong kẹp chì thiết bị trước khi ra vào cảng. Tuyệt đối không cho ra khơi đối với các tàu không duy trì hoạt động của thiết bị. Rà soát toàn bộ các tàu cá mất kết nối dài ngày, quản lý chặt chẽ số tàu này tránh việc tàu đi khai thác. Riêng đối với các tàu cá bị mất kết nối trên 1 năm cần có giải pháp xử lý dứt điểm, có thể thu hồi giấy phép khai thác.
Phòng Khai thác và PTNLTS
(Nguồn: Mạnh Cường - Trung tâm Thông tin Thủy sản - Tổng cục Thủy sản)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
qc tc
ql cs
pmsh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay11,430
  • Tháng hiện tại436,004
  • Tổng lượt truy cập14,274,176
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây