Quản lý nghề lưới kéo ở vùng biển Đông Nam nước Úc

Thứ sáu - 27/08/2021 16:20 515 0
Lưới kéo là một nghề khai thác thủy sản có tác động nhiều nhất, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản. Để cải thiện nguồn lợi thủy sản cũng như hiệu quả kinh tế của nghề khai thác, cần có sự thay đổi mạnh mẽ, hiệu quả về chính sách quản lý hoạt động khai thác thủy sản, đặc biệt là đối với nhóm nghề lưới kéo.
Quản lý nghề lưới kéo ở vùng biển Đông Nam nước Úc
Khai thác thủy sản bằng nghề lưới kéo ở vùng biển Đông Nam nước Úc cũng có đặc điểm giống như nghề lưới kéo ở những khu vực khác, với đặc tính cơ bản là khai thác nhiều loài thủy sản, ít chọn lọc. Với tình trạng trữ lượng nguồn lợi thủy sản và hiệu quả của hoạt động khai thác thủy sản đã giảm đáng kể đã dẫn đến một số sáng kiến để thay đổi, bao gồm việc phát triển và thực hiện chiến lược quản lý tổng thể đối với ngành thủy sản.

Nghề khai thác thủy sản bằng lưới kéo đã tồn tại ở vùng Đông Nam nước Úc kể từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước. Nó đã thay đổi đáng kể trong hơn 100 năm qua, cả về quy mô và tính chất của đội tàu đánh cá, phạm vi không gian của nghề cá. Trong phần lớn lịch sử, nghề khai thác thủy sản được quản lý dưới quyền tài phán của bốn bang khác nhau của Úc, với những sự cạnh tranh khai thác nhất định. Chính phủ liên bang Australia bắt đầu thực hiện vai trò điều phối và quản lý mạnh mẽ hơn vào những năm 1980 và đến đầu những năm 1990, trực tiếp là Bộ Quản lý Nghề cá Úc (AFMA). Năm 2016, nghề lưới kéo khu vực Đông Nam Úc đã đánh bắt được hơn 8.000 tấn cá trị giá khoảng 40 triệu đô la Úc, chiếm khoảng 2/3 tổng giá trị của nghề khai thác thủy sản trong khu vực. Nghề lưới kéo nhắm mục tiêu vào khoảng 10 loài nhưng đến hơn một trăm loài bị khai thác, ngoài ra có hơn năm trăm loài (số lượng nhỏ) không có giá trị thương mại và bị loại bỏ.

Sau các cuộc khảo sát bằng lưới kéo vào đầu những năm 1900, bang New South Wales đã nhập khẩu ba chiếc tàu lưới kéo hơi nước đánh bắt vùng thềm lục địa gần với Sydney. Đến năm 1929, số lượng tàu lưới kéo đã tăng lên 17 chiếc, bao gồm cả những tàu của tư nhân. Vào đầu những năm 1970, sự xuất hiện của tàu khai thác sử dụng động cơ diesel đã làm cho nghề lưới kéo phát triển mạnh, khu vực khai thác cũng được mở rộng hơn về phía nam, đến các vùng nước sâu hơn. Sự phát triển này đã tạo ra một sản phẩm thương mại mới, cá đá quý (Rexea solandri), Đến năm 1976, cá đá quý đã trở thành loài thương mại chính trong nghề lưới kéo khu vực Đông Nam nước Úc. Sự phát triển nhanh chóng này được thuận lợi là do không có các hạn chế của cơ quan quản lý, khi đó nằm dưới sự kiểm soát của từng bang riêng lẻ chứ không phải liên bang.
 
Hình: Khu vực khai thác nghề lưới kéo
Năm 1985 khi chính phủ liên bang bắt đầu tích cực quản lý nghề lưới kéo Đông Nam Úc, đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong việc quản lý nghề cá. Nhật ký khai thác thủy sản bắt đầu áp dụng vào năm 1985, đồng thời chính phủ cũng tiến hành đánh giá trữ lượng các loài thủy sản chính. Hạn ngạch sản lượng khai thác được áp dụng cho từng loài thủy sản, bắt đầu từ năm 1988.

Một thay đổi quan trọng hơn nữa trong công tác quản lý xảy ra vào năm 1991 với việc thành lập Bộ Quản lý Nghề cá Úc (AFMA). AFMA đã tham vấn rộng rãi và có sự tham gia trong công tác quản lý nghề cá của các bên liên quan ở nhiều cấp. Năm 1992, AFMA đã đưa ra hạn ngạch khai thác đối với 16 loài thủy sản, áp dụng cho nghề lưới kéo, quyền khai thác (theo hạn ngạch) này ngư dân có thể chuyển nhượng cho nhau. Để có số liệu về trữ lượng thủy sản, đảm bảo việc đưa ra hạn ngạch về sản lượng khai thác phù hợp, năm 1993 Nhóm đánh giá nghề cá Đông Nam Úc được thành lập. AFMA cũng thành lập Chương trình Giám sát Khoa học Tích hợp cho nghề cá vào giữa những năm 1990, trong đó thu thập dữ liệu về cấu trúc, kích thước của các loài cá khai thác, các loài cá bị loại bỏ. Đối với các nghề khai thác khác, năm 1997 AFMA cũng đã đưa ra hạn ngạch về sản lượng nhằm duy trì trữ lượng nguồn lợi thủy sản ổn định.

Ngoài ra, có hai thay đổi khác trong quản lý vào cuối những năm 1990 cũng đã ảnh hưởng lớn đến nghề lưới kéo Đông Nam Úc. Một là Chính sách Đại dương của Úc năm 1998, tập trung vào việc thành lập hệ thống đại diện quốc gia về các khu bảo tồn biển, làm cho nguồn lợi thủy sản được cải thiện tốt hơn. Hai là Đạo luật Bảo vệ môi trường và Bảo tồn đa dạng sinh học năm 1999, đã cho phép Bộ Môi trường cùng tham gia giám sát hoạt động khai thác thủy sản.

Số lượng tàu đánh bắt đã giảm kể từ năm 1992, nhưng tổng công suất của đội tàu đã tăng lên, đồng thời số giờ đánh lưới đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu những năm 1990. Những ngư dân có giấy phép khai thác bắt đầu lo lắng về sự suy giảm lợi nhuận rõ rệt, bắt đầu từ năm 2000. Trong năm 2003, các chuyến biển gần như hòa vốn và sang năm 2003, doanh thu không thể bù đắp chi phí cho đội tàu. Cùng với sự thua lỗ về kinh tế, những lo ngại về tình trạng sinh học, trữ lượng nguồn lợi thủy sản… đã dẫn đến việc kêu gọi thực hiện đánh giá về hiện trạng và hướng đi của nghề cá. Kết quả là một dự án nghiên cứu, được tài trợ vào năm 2004, nhằm đánh giá các phương án quản lý thay thế, không chỉ cho nghề lưới kéo, mà cho toàn bộ nghề cá vùng Đông Nam Úc, là dự án Chiến lược Quản lý thay thế (AMS).

Kết quả nghiên cứu là những sáng kiến, bao gồm:
- Chấm dứt ngay lập tức việc đánh bắt quá mức và thu hồi sản lượng đánh bắt quá mức.
- Công bố gói hỗ trợ trị giá 220 triệu đô la có tên là Securing Our Fishing Future (SOFF) để hỗ trợ những người đồng ý rời ngành.
- Thành lập mạng lưới các khu bảo tồn biển ở đông nam Australia, như một phần của quá trình phát triển Chính sách Đại dương của Australia.

Hiệu quả kinh tế gần như ngay lập tức cải thiện, do những ngư dân khai thác không hiệu quả đã rời ngành để hưởng gói hỗ trợ của chính phủ, bao gồm cả chính sách mua lại tàu cá. Tổng giá trị sản phẩm không đổi từ thời điểm điều chỉnh cho đến năm 2013, sau đó nó đột ngột giảm gần một phần ba. Tỷ suất lợi nhuận kinh tế ròng từ ngành thủy sản vẫn tích cực và xấp xỉ không đổi sau khi điều chỉnh cơ cấu, đạt mức cao nhất vào năm 2011 và sau đó giảm nhanh chóng vào năm 2014.

Sự phục hồi sinh học của nghề cá có thể được xem xét theo nhiều cách khác nhau. Khi có đủ dữ liệu để đánh giá, đã phát hiện một số loài bị đánh bắt quá mức. Mặc dù áp dụng các biện pháp quản lý nhưng sự gia tăng trữ lượng không được thể hiện đến năm 2010. Sau năm 2010, việc tiếp tục áp dụng chặt chẽ các biện pháp quản lý để giải quyết tình trạng đánh bắt quá mức, đến năm 2013, không có loài nào trong nghề cá Đông Nam Úc bị coi là đánh bắt quá mức.

Để đạt được mục tiêu cải thiện lợi ích kinh tế của ngư dân và lợi ích về môi trường sinh thái, Chương trình đòi hỏi sự tập trung đáng kể và cam kết nguồn lực ở các cấp chính trị, chính sách, quản lý và khoa học... Sự tham gia mang tính xây dựng của các bên liên quan trong ngành đánh bắt cá cũng rất quan trọng, kết quả của chương trình này cũng minh họa sự phức tạp của công tác quản lý nghề cá./.
 

TNL – Biên dịch từ “Tài liệu kỹ thuật nuôi trồng và khai thác thủy sản” của Tổ chức Nông  Lương Thế giới.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
qc tc
ql cs
pmsh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay15,820
  • Tháng hiện tại208,007
  • Tổng lượt truy cập12,578,731
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây