Nỗ lực và quyết tâm cao để sớm gỡ “thẻ vàng” IUU

Thứ năm - 28/09/2023 23:38 271 0
Sáng 29/8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia với 28 tỉnh, thành phố ven biển về thúc đẩy các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Phó Thủ tướng chủ trì
Tập trung triển khai 4 nhóm khuyến nghị của EC
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua, Việt Nam tập trung triển khai 4 nhóm khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, gồm: Hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; và thực thi pháp luật. Theo đó, đã có những chuyển biến đáng kể, đã được phía EC ghi nhận sự nỗ lực trong lần thanh tra thứ 3 vào tháng 10/2022. Cụ thể:
Về khung pháp lý: Hiện đang hoàn tất các thủ tục theo chỉ đạo, trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ để tổ chức triển khai trên thực tế, khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định chống khai thác IUU.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các chương trình, đề án, quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hướng tới phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế, chống khai thác IUU, thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá: Thực hiện khuyến nghị của EC về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác, Bộ NN&PTNT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ số lượng tàu cá, cập nhật dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase (tại Quyết định số 81/QĐ-TTTg) và ban hành văn bản chỉ đạo địa phương tạm dừng việc cấp văn bản chấp thuận đóng mới cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, tạm dừng cấp văn bản chấp thuận cho phép cải hoán tàu cá có chiều dài dưới 15m lên thành tàu có chiều dài từ 15m trở lên từ ngày 20/12/2022; tổ chức rà soát và xem xét điều chỉnh giảm số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng sát thực với số tàu cá hiện có của địa phương phù hợp với quy định tại Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017.
Phần mềm cơ sở dữ liệu VNFishbase đến nay đã triển khai tại 31 tỉnh, thành phố có tàu tham gia khai thác hải sản, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu về nghiệp vụ quản lý khai thác thủy sản, trong đó thông tin dữ liệu tàu cá về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá đã được các địa phương cập nhật, khai thác thường xuyên trên phần mềm.
Hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan; tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển. Tính đến ngày 29/8/2023, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt 97,86% (28.753/29.381 chiếc). Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi, quản lý (hầu hết là các tàu cá đang nằm bờ, ngưng hoạt động và thuộc diện chờ giải bản, xóa đăng ký…).
Về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng: Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng cá đang tập trung thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT để kiểm soát hoạt động của tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng, xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, xử lý hành vi khai thác IUU… Một số địa phương đã bố trí nguồn lực, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, nâng cấp cơ sở hạ tầng… để kiểm soát tàu cá tại cảng nên kết quả thực hiện tương đối tốt.
Về chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản: Công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) cơ bản đáp ứng yêu cầu, cụ thể:
Thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước được kiểm soát theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng, công tác xác nhận tại các cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.
Đã đưa ra khỏi danh sách Cảng cá chỉ định đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác đối với Cảng cá Cơ khí tàu thuyền và Cảng cá Hưng Thái của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên quan đến việc thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác chưa đảm bảo tính hợp pháp theo quy định.
Trên cơ sở khuyến cáo của Đoàn Thanh tra Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG-Sante) tại đợt thanh tra tháng 6/2023 và kết quả thanh tra của Bộ NN&PTNT đối với điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, Bộ đã gửi Cơ quan thẩm quyền EU đưa tên Công ty TNHH T&H Nha Trang ra khỏi danh sách Doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào EU.
Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài đã được tăng cường, đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được quy định của Hiệp định PSMA.
Về thực thi pháp luật và xử lý vi phạm: Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, các vùng trọng điểm để ngăn chặn, xử lý tàu cá có hành vi vi phạm. Đã đấu tranh thành công 1 chuyên án, bắt giữ 1 đối tượng môi giới tổ chức đưa tàu cá, ngư dân ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Từ năm 2020 đến nay đã xử phạt trên 4.000 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 110 tỷ đồng. Một số tỉnh đã tăng cường xử phạt các vụ việc vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm về VMS…
Chung tay gỡ “thẻ vàng”
Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia với 28 tỉnh, thành phố ven biển về thúc đẩy các giải pháp chống khai thác IUU được tổ chức trong bối cảnh chỉ còn hơn 1 tháng nữa Việt Nam sẽ đón đoàn của EC lần thứ 4 đến thanh tra, kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam.
Việc bị cảnh báo “thẻ vàng” không chỉ làm làm gia tăng thời gian, công sức, chi phí cho việc quản lý chặt chẽ hồ sơ khi xuất khẩu thủy sản sang EU mà còn làm suy giảm uy tín của Việt Nam.
Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu bị phạt “thẻ đỏ”, Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang thị trường EU với tổng giá trị khoảng 500 triệu USD/năm. Không chỉ mất thị phần, nếu bị phạt “thẻ đỏ” cũng sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc tại 60 nhà máy đang tham gia xuất khẩu vào thị trường EU cũng như những ngư dân làm ăn chân chính, đồng thời ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng nghề cá hiện đại của quốc gia. Ngoài EU, một số quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản cũng đã có những quy định tương tự về chống IUU; nếu Việt Nam bị áp “thẻ đỏ” thì các quốc gia này cũng có thể áp dụng những biện pháp tương tự đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam.
Để gỡ được “thẻ vàng”, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương dự họp cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng chức năng, giữa các địa phương trong việc quản lý và ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm. Các bộ, ngành, địa phương đều nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tra, xác minh, xử lý nghiêm, triệt để các tổ chức, cá nhân làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi IUU.
Lãnh đạo Cục Kiểm ngư đề xuất các doanh nghiệp là thành viên của VASEP tiếp tục chung tay cùng Chính phủ trong việc thực hiện các quy định về IUU, không thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn vi phạm quy định IUU.
Đánh giá cao vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí, Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về chống IUU theo hướng vận động, nhắc nhở, cảnh báo các vi phạm...
Phòng Khai thác và PTNL Thủy sản
(Nguồn: Theo Hải Đăng – Trang thông tin điện tử Cục Thủy sản)

Tác giả: Cán bộ 1

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
qc tc
ql cs
pmsh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập125
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm117
  • Hôm nay20,137
  • Tháng hiện tại259,859
  • Tổng lượt truy cập14,618,087
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây