Một số vấn đề cần lưu ý trong thả nuôi cá vụ 3 trên địa bàn Nghệ An

Thứ hai - 28/09/2020 23:04 790 0
.
Nuôi cá vụ 3 trên địa bàn toàn tỉnh là một trong những hình thức nuôi đã và đang đem lại kết quả rất khả quan, góp phần tăng thêm sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích canh tác; tạo thu nhập cho người dân; tăng độ phì nhiêu cho đất; tăng khả năng phòng trừ địch hại, hạn chế dùng thuốc trừ sâu, giữ môi trường trong sạch.
Từ ngày 1/9 đến ngày 30/10 là thời điểm thả cá vụ 3 theo lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành. Qua công tác kiểm tra thả cá đầu vụ tại một số địa phương, để hạn chế rủi ro và đảm bảo nuôi cá vụ 3 đạt hiệu quả, bà con cần thực hiện tốt các nội dung hướng dẫn tại Công văn số 220/CCTS-NTTS ngày 24/8/2020 của Chi cục Thủy sản về việc triển khai nuôi cá vụ 3; đặc biệt, bà con cần lưu ý những vấn đề sau:
1. Về con giống và thả giống
- Con giống: Được lựa chọn từ các cơ sở cung ứng con giống thủy sản có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.
+ Khi chọn giống, quan sát cá giống phải đồng đều, không dị tật, không bị xây sát; hoạt động nhanh nhẹn, bơi theo đàn, phản ứng nhanh với tiếng động, ánh sáng, màu sắc sáng đẹp; không có các dấu hiệu khác về màu sắc, nghi có mầm bệnh.
 - Thời điểm thả cá giống: Tốt nhất vào buổi sáng hoặc chiều mát. Tránh thả cá vào lúc trời đang mưa to hay nắng gắt có thể làm cá bị sốc nhiệt, yếu dẫn đến cá chết.
- Cách thả giống:
+ Trước khi thả cá nên tắm cho cá bằng nước muối 2% (20 gam muối + 1 lít nước) trong thời gian 5-10 phút để loại trừ ký sinh trùng và chống nhiễm trùng các vết xây xát.
+ Đối với cá giống được đóng trong túi nilon thì trước khi thả nên ngâm túi đựng cá vào trong nước ao khoảng 10 -15 phút, để nhiệt độ trong túi nilon cân bằng với nhiệt độ môi trường nước ao nuôi, tạo điều kiện cho cá làm quen với môi trường sống mới. Khi thả một tay mở miệng túi cho nước chảy từ từ vào để cá bơi tự nhiên ra, đồng thời tay còn lại vỗ trên mặt nước tạo oxy cho cá, khi cá ra khỏi túi 1/2 - 2/3 số con mới dốc túi cho cá ra hết. 
+ Đối với cá giống được vận chuyển hở, trước khi thả giống cần cân bằng môi trường giữa nước ao với môi trường nước trên xe vận chuyển bằng cách vừa xả bớt nước trên thùng ra, đồng thời cấp thêm nước ở ao nuôi vào để cá không bị sốc môi trường, sau đó mới tiến hành thả cá từ từ.
2. Về quản lý môi trường nước
a. Thay nước
Thay nước khi chất lượng nước xấu đi, nước có mùi hôi,… cá nổi đầu vào sáng sớm, chỉ nên thay nước khoảng 20 – 30% để tránh tình trạng cá bị sốc. Việc thay nước sẽ tăng thêm oxy, giảm các chất độc trong hệ thống nuôi, kích thích cá hoạt động và bắt mồi. Lưu ý khi thay nước phải xác định được nguồn nước cấp có đảm bảo yêu cầu hay không để tránh tình trạng làm xấu đi hoặc ô nhiễm chất lượng nước trong ruộng nuôi.
Vào đầu mùa mưa, mùa lũ thường xuyên kiểm tra đăng, cống,… dọn cỏ quanh bờ bao tránh để nước dâng cao ngập cỏ gây phân huỷ làm thiếu oxy.
b. Nhiệt độ
Để nhiệt độ trên mặt ruộng không biến động lớn, mực nước thấp nhất phải đạt được là 40 cm.
c. Oxy hòa tan
Trong ruộng nuôi lượng oxy hoà tan trong nước có sự biến động giữa ngày và đêm, thấp nhất vào lúc sáng sớm và cao nhất lúc 2 - 3 giờ chiều. Để đảm bảo hàm lượng oxy cao trong ruộng nuôi lưu ý thời điểm cải tạo ruộng nuôi phải dọn sạch rơm rạ trên mặt ruộng để hạn chế phân hũy hữu cơ khi cấp nước vào. Biện pháp để tăng cường và ổn định oxy ở mức cao là thay nước khi nước có màu quá xanh hay xám.
d. pH
pH trong hệ thống nuôi biến động theo sự phát triển của tảo. pH tăng khi tảo quang hợp và phát triển mạnh. Những cơn mưa đầu mùa, nhất là đối với những hệ thống nuôi mới xây dựng, sẽ rửa phèn từ bờ xuống hệ thống nuôi làm pH giảm. Ngoài ra sự phân huỷ mùn bả hữu cơ ở đáy ao cũng làm cho pH ở tầng này thấp. Dùng vôi CaO 7 – 10 kg/100m2 rải quanh bờ trước những cơn mưa lớn. Nếu pH nước xuống dưới 7 thì dùng vôi nông nghiệp CaCO3 hoặc Dolomite (đá vôi đen – CaMg(CO3)2) bón với lượng 2 – 3 kg/100m2.
e. Thuốc bảo vệ thực vật
Trong quá trình nuôi lưu ý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác lúa, hoa màu của các hộ sản xuất xung quanh để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng nhiễm sang ruộng nuôi cá.
Cảnh Hoàng - Phòng Nuôi trồng thủy sản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
qc tc
ql cs
pmsh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập203
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm199
  • Hôm nay16,376
  • Tháng hiện tại115,165
  • Tổng lượt truy cập13,953,337
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây