Tính đến cuối tháng 3/2025, toàn tỉnh có 1.272 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét đến dưới 12 mét hoạt đông tại các vùng biển ven bờ. Các tàu cá này chủ yếu làm nghề lưới rê, lưới kéo moi, ruốc. Đặc điểm tàu nhỏ, không có cabin hoặc cabin nhỏ, mớn nước thấp. Khi hoạt động khai thác do sóng đánh và bị mài mòn khi kéo lưới nên số đăng ký và sơn đánh dấu tàu cá nhanh bị mờ, hỏng dẫn đến sai quy định nếu không được viết, sơn lại thường xuyên. Đa số chủ tàu cá lớn tuổi, hiểu biết các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản còn thấp.

Tàu thuyền neo đậu tại bên cá Lạch Cờn (ảnh Thành Luân)
Qua kiểm tra thực tế, có khá nhiều tàu cá loại này viết số đăng ký và đánh dấu nhận biết tàu cá sai quy định của pháp luật. Bến đậu thường ở sát cửa lạch hoặc bãi ngang nên các cơ quan chức năng khó kiểm tra, kiểm soát.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, lãnh đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An tại cuộc họp về thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU, phòng Kiểm ngư đã xây dựng Kế hoạch chuyên đề tuần tra, kiểm tra xử lý tàu cá vi phạm về viết số đăng ký, đánh dấu tàu cá sai quy định đối với tàu cá hoạt động vùng ven bờ trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian thực hiện từ 08/4/2025 đến 29/4/2025 với mục đích:
Nâng cao nhận thức của các chủ tàu cá, đặc biệt là tàu cá có kích thước lớn nhất từ 6 mét đến dưới 12 mét về viết số đăng ký, đánh dấu nhận biết tàu cá khi khai thác thủy sản.
Đảm bảo tàu cá trong thời gian hoạt động thủy sản phải được viết số đăng ký, đánh dấu tàu cá đúng quy định.
Tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để phát hiện các vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn của các quy định pháp luật và có kiến nghị thay đổi để công tác quản lý được tốt hơn.

Tổ công tác ra hiệu lệnh kiểm tra tàu cá xuất nhập lạch tại bến Lạch Quèn (ảnh Thành Luân)
Trên cơ sở đó trong tháng 4/2025 Kiểm ngư Nghệ An đã điều động 02 tàu Kiểm ngư số hiệu KN-688-NA và KN-701-NA thực hiện 03 chuyến với tổng số 13 ngày tuần tra trên biển, các ngày còn lại phối hợp với Đồn Biên phòng Quỳnh Phương và Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận thực hiện giám sát tại 02 cửa lạch trọng điểm của tỉnh Nghệ An là Lạch Quèn ở huyện Quỳnh Lưu và Lạch Cơn ở thị xã Hoàng Mai.
Qua thời gian thực hiện hai lực lượng Kiểm ngư và Biên phòng đã giám sát trên biển và cửa lạch gần 600 lượt tàu cá, trong đó tiếp cận và kiểm tra trên biển 58 phương tiện, giám sát kiểm tra cửa lạch hơn 500 lượt tàu cá ra vào cửa lạch.
Hai lực lượng kiểm tra và làm việc với chủ tàu (ảnh TCT)
Yêu cầu chủ tàu sơn lại cabin trước lúc xuất bến (ảnh Thành Luân)
Ngoài các chủ tàu cố tình vi phạm khi hoạt động trên biển bị xử lý, qua kiểm tra tại các cửa lạch cũng cho thấy nhiều chủ tàu cá đặc biệt là tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét vẫn chưa nắm rõ các quy định về viết số đăng ký, đánh dấu nhận biết tàu cá, trang thiết bị an toàn tàu cá khi hoạt động thủy sản do đó còn nhiều tàu cá đánh dấu nhận biết tàu cá theo kiểu “trang trí cho đẹp”, một số không sơn, sơn màu không đúng quy định. Viết số đăng ký theo kiểu “tự do”, viết không ngay ngắn, không đúng chỗ, kích thước chữ và số không đúng quy chuẩn, nhiều tàu đủ điều kiện kẻ biển số mũi tàu nhưng lại treo biển số trên cabin. Một số chủ tàu cá chưa chú trọng công tác an toàn, trang bị không đầy đủ phương tiện cứu sinh cho người và tàu cá...Đối với các chủ tàu cá này đoàn cũng đã nhắc nhở và yêu cầu sơn kẻ biển số theo đúng quy định rồi mới cho xuất lạch, các tàu cá không đủ điều kiện về trang thiết bị an toàn cũng đã phải trang bị lại trước lúc xuất bến.

Buộc chủ tàu bổ sung đầy đủ trang thiết bị an toàntrước khi tàu hoạt động (ảnh Thành Luân)
Kế hoạch “Chuyên đề” lần này cũng đã góp phần tăng cường sự phối hợp của hai lực lượng Kiểm ngư và Biên phòng, là dịp để tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho chủ tàu cá các quy định về viết số đăng ký, đánh dấu nhận biết tàu cá từ đó làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân khi hoạt động thủy sản./.
(Nguồn: Biện Thành Luân - Phòng Kiểm ngư, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư)