Khái quát một số công nghệ nuôi trồng thủy sản hiện nay

Thứ tư - 31/03/2021 05:16 973 0
1. Nuôi tôm ít thay nước                  
Công nghệ nuôi tôm ít thay nước đã được áp dụng tại Việt Nam từ những năm 2000. Một, hai tháng đầu tiên không thay nước, chỉ cần bổ sung nước cho ao nuôi để bù đắp lượng nước mất đi do bốc hơi, si phông đáy và thẩm thấu. Các tháng tiếp theo chỉ cần thay nước khi thật sự cần thiết để quản lý chất lượng nước. Trong quá trình nuôi tôm định kỳ khử trùng nước, sau đó sử dụng các chế phẩm sinh học để cải thiện chất lượng nước, người nuôi có thể dùng kết hợp chế phẩm sinh học xử lý đáy và xử lý môi trường nước ao nuôi.
Ưu điểm: Lượng nước sử dụng ít, giảm chi phí xử lý nước đầu vào, tôm nuôi không phải chuyển ao nên chi phí sản xuất tôm thấp. Công nghệ này được áp dụng tương đối thành công tại Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2015.
Nhược điểm: Không nuôi được tôm mật độ cao (dưới 150 con/m2). Ao nuôi lâu ngày dễ bị suy thoái nền đáy ao, tôm dễ nổi đầu và bị bệnh. Hiện công nghệ này nuôi khó thành công. Chủ yếu áp dụng cho các ao nuôi mật độ thấp từ 70-100 con/m2.
2. Nuôi tôm nhiều giai đoạn
Hệ thống nuôi tôm nhiều giai đoạn bao gồm ao, bể ương tôm giống và các ao nuôi thương phẩm cấp 1 và cấp 2.
Ưu điểm: Ương tôm trước khi thả nuôi thương phẩm giúp tôm tăng trưởng nhanh trong điều kiện ương có tính an toàn sinh học cao. Hệ thống nuôi nhiều giai đoạn này làm gia tăng hiệu quả sản xuất do tôm giống có kích thước lớn khi đưa ra nuôi ngoài ao, rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm; tiết kiệm được thức ăn và nâng cao tỷ lệ sống cho tôm nuôi. Mô hình nuôi thường chia làm hai, ba giai đoạn: Giai đoạn 1 tôm sẽ được ương trong nhà màng, nhà có mái che; thời gian ương trung bình từ 25 - 30 ngày, khi đó tôm 1-2 gram/con; giai đoạn 2, tôm được chuyển qua ao nuôi trong thời gian 45 - 60 ngày (nuôi 2 giai đoạn) và 25-30 ngày (nuôi 3 giai đoạn); giai đoạn 3 (nuôi 3 giai đoạn): tôm được nuôi 25-30 ngày để đạt kích thước thương phẩm. Mô hình hoạt động dựa trên 3 yếu tố quan trọng để có được thành công: đảm bảo dinh dưỡng cho tôm khi còn nhỏ; đảm bảo sức khỏe cho tôm; đảm bảo đúng kỹ thuật. Công nghệ nuôi tôm theo 2 hay 3 giai đoạn đã góp phần tăng năng suất cao hơn từ 20 - 40 tấn/ha/vụ so với công nghệ nuôi truyền thống. Hiện nay công nghệ này đang được áp dụng ở nhiều tỉnh ven biển Việt Nam và diện tích nuôi đang dần được tăng lên. Công nghệ này được áp dụng tương đối thành công tại Việt Nam từ năm 2016 đến nay.
Nhược điểm: Công nghệ nuôi tôm nhiều giai đoạn phải thay nước sạch với lượng rất lớn (30-40%/2 ngày nuôi). Để cung ứng đủ nguồn nước trong quá trình nuôi cần bố trí nhiều ao chứa và xử lý nước, cùng với đó là phải sử dụng rất nhiều thuốc khử trùng, keo lắng tụ và chế phẩm sinh học để xử lý nước và ao nuôi. Bằng chứng là ngày càng phải tăng hàm lượng thuốc khử trùng nước đầu vào (gấp 5-7 lần) đã làm tăng chi phí sản xuất.
 Bên cạnh đó lượng nước thải ra môi trường quá lớn, vượt quá khả năng xử lý trước khi thải ra môi trường gây hệ lụy về sau cho môi trường sinh thái.
3. Nuôi tôm trong nhà kính       
Tôm được nuôi trong hệ thống ao nuôi có diện tích nhỏ khoảng 500 m2. Ao nuôi được lót bạt đáy và nằm trong nhà màng kết cấu khung thép chịu lực có thể chịu được bão cấp 7 - 8. Mái che bằng màng PE lấy sáng, bên dưới màng PE có lưới lan chống nóng để sử dụng vào mùa hè.
Ưu điểm: Mô hình nuôi này có thể kiểm soát được vấn đề dịch bệnh, quản lý chất lượng nước, ô nhiễm môi trường và ít rủi ro hơn các mô hình nuôi khác. Đây là mô hình đầu tư hiện đại nên có thể thả nuôi thâm canh với mật độ cao. Trung bình mật độ thả nuôi từ 200 - 300 con/m2, tôm sau 100 - 105 ngày nuôi có thể thu hoạch, tôm đạt kích cỡ từ 30 - 33 con/kg, năng suất đạt khoảng 60 - 90 tấn/ha/năm. Tôm nuôi trong nhà kính có nhiều ưu điểm như dễ kiểm soát các yếu tố môi trường (nhiệt độ), tôm nuôi tăng trưởng khá nhanh, đặc biệt là tôm thương phẩm sau thu hoạch bóng và đẹp nên được các công ty chế biến tôm xuất khẩu thu mua với giá cao so với thị trường.
Nhược điểm: Nuôi tôm trong nhà kính chi phí đầu tư ban đầu rất cao. Tổng chi phí đầu tư cho 1 ha khoảng 10 tỉ đồng, gồm xây nhà bao phủ các ao nuôi tôm, xây tường xung quanh ao nuôi, lót bạt dưới đáy ao, lắp đặt hệ thống quạt, oxy đáy, hệ thống quan trắc tự động, cho tôm ăn tự động ...
4. Nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn RAS
Công nghệ nuôi tuần hoàn áp dụng vào nuôi tôm tại Việt Nam chủ yếu thuộc “Hệ thống sản xuất tôm trong nhà (Indoor Shrimp Production System - ISPS)”. Các bể nuôi tôm được đặt trong nhà màng hoặc nhà có mái che kiên cố. Các thành phần chính trong hệ thống RAS là:
- Nhà màng hoặc nhà kiên cố che phủ toàn bộ hệ thống nuôi.
- Hệ thống ao/bể chứa và xử lý nước đầu vào.
- Hệ thống ao/bể nuôi tôm.
- Ao, bể chứa và xử lý nước thải.
- Hệ thống lọc nước tuần hoàn:
+ Hệ thống lọc thô: Lọc thô bằng chổi lọc (quy mô nhỏ) hoặc dùng trống lọc, lọc parabol (quy mô lớn). Nước trong tất cả ao/bể nuôi trong hệ thống đều được chuyển về hệ thống lọc trống (HydrotechTM Drumfilter) hay parabol để giảm thiểu lượng hữu cơ từ phân tôm cũng như thức ăn thừa, đây là một trong những hệ thống lọc có lưu lượng lớn và hoạt động một cách tự động tùy theo chất lượng nước ở từng giai đoạn. Hệ thống lọc trống có công suất lọc từ 20 – 1.300 lít/giây (1,2- 78 m3/phút) với kích cỡ màng lọc dao động từ 30 – 500µ. Phân tôm và thức ăn thừa được đưa ra khỏi hệ thống nuôi thông qua hệ thống rửa màng lọc tự động. Việc đưa các chất hữu cơ lơ lửng ra khỏi hệ thống nuôi thông qua hệ thống lọc trống sẽ giúp cho hệ lọc sinh học theo công nghệ MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor) giảm tải và sức tải sinh học của hệ thống tăng lên. Do vậy có thể nâng cao mật độ và năng suất nuôi tôm.
+ Hệ thống lọc sinh học: Bể lọc sinh học (Bể chứa vật liệu lọc làm giá thể để màng lọc sinh học phát triển làm chức năng phân hủy Ammonia, Nitrite thành Nitrate và N2 ít độc với tôm nuôi, hệ thống sục khí cho ao/bể nuôi nhằm cung cấp ôxy; Hệ thống sục khí hay hệ thống cung cấp khí Nanobublle cho bể lọc sinh học); Hệ thống đèn UV hay Ozone diệt khuẩn và tảo trong bể nước trong (bể nước sẵn sàng để bơm ngược trở lại bể nuôi tôm) ...
Ưu điểm: Môi trường nước nuôi ổn định, hạn chế sử dụng nước, hạn chế tối đa việc thải nước thải ra ngoài, nước thải không bị ô nhiễm. Mô hình nuôi đảm bảo an toàn sinh học và không xả thải nguồn ô nhiễm vì thế được xem là mô hình thân thiện với môi trường. Năng suất tôm nuôi cao nhưng giảm thiểu diện tích nuôi, có thể áp dụng ở nhiều nơi khác nhau, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
PHÒNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN – CHI CỤC THỦY SẢN NGHỆ AN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
qc tc
ql cs
pmsh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập96
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay15,831
  • Tháng hiện tại81,985
  • Tổng lượt truy cập12,972,103
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây