Đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU) trong Công ước Quốc tế

Thứ hai - 26/06/2023 22:16 382 0
          1. Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982
          * Về quyền khai thác tài nguyên cá trong các vùng biển
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) không có những quy định trực tiếp về IUU, việc điều chỉnh hoạt động này chủ yếu được giải thích thông qua các quy định về quyền khai thác tài nguyên sinh vật của quốc gia ven biển. 
Theo quy định của UNCLOS, do nội thủy và lãnh hải là những vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, chính vì vậy, hoạt động khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên sinh vật biển trong các vùng biển này sẽ thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, hoạt động đánh bắt của tàu thuyền nước ngoài chỉ được coi là hợp pháp khi có sự chấp thuận của quốc gia ven biển.
Vấn đề khai thác tài nguyên cá chủ yếu được đề cập đến trong quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, cụ thể là vùng đặc quyền kinh tế. Theo đó, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật tại vùng biển này. Điều 61 của UNCLOS quy định quốc gia ven biển phải xác định nguồn lợi thủy sản và tổng khối lượng có thể đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Đồng thời, quốc gia ven biển cũng phải thực hiện các biện pháp bảo tồn và quản lý phù hợp, trên cơ sở các thông tin và kết quả nghiên cứu khoa học để đảm bảo là tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của mình không bị khai thác một cách quá mức. Trong trường hợp quốc gia ven biển không có khả năng khai thác toàn bộ khối lượng đánh bắt được phép nêu trên, theo Điều 62 của UNCLOS, quốc gia ven biển sẽ, thông qua thoả thuận, cho phép các quốc gia khác khai thác số dư của khối lượng cho phép đánh bắt nếu như quốc gia ven biển không có khả năng khai thác toàn bộ khối lượng cho phép này. Quốc gia ven biển cũng có nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia khác trong việc bảo tồn các đàn cá lưỡng cư (Điều 63), các loài cá di cư xa (Điều 64), các loài động vật có vú (Điều 65), các đàn cá vào sông sinh sản (Điều 66), và các đàn cá ra biển sinh sản (Điều 67).
        * Quyền tài phán đối với các hành vi vi phạm quyền chủ quyền của quốc gia ven biển trong khai thác, quản lý tài nguyên cá
        Để bảo vệ các quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với tài nguyên cá, Điều 73 của UNCLOS ghi nhận: “Quốc gia ven biển có thể thực hiện các biện pháp như lên tàu, kiểm tra, bắt giữ và tiến hành các thủ tục tố tụng để đảm bảo việc tuân thủ các quy định được thông qua phù hợp với Công ước”. Trên thực tế, để bảo vệ các quyền chủ quyền đã được UNCLOS thừa nhận, khi xuất hiện những hành vi vi phạm về quyền khai tác tài nguyên sinh vật nói chung trong đặc quyền kinh tế, các quốc gia ven biển đã từng sử dụng các biện pháp có tính cứng rắn hơn như tịch thu tàu thuyền hoặc thậm chí là sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, trong khi áp dụng các biện pháp chế tài đối với những hành vi vi phạm quyền khai thác, quản lý tài nguyên sinh vật của quốc gia ven biển trong đặc quyền kinh tế, UNCLOS cũng đặt ra hạn chế nhất định, theo đó “các chế tài do quốc gia ven biển trù định đối với những vụ vi phạm các luật và quy định về mặt đánh bắt trong vùng đặc quyền về kinh tế không được bao gồm hình phạt tống giam, trừ khi các quốc gia hữu quan có thỏa thuận khác, và không bao gồm một hình phạt thân thể nào khác” (Điều 73).
           Trên thực tế, do sự xuất hiện ngày càng nhiều của các hành vi IUU, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc xử lý triệt để đối với các hành vi này, một số nước đang tích cực vận động cho việc hình sự hóa IUU và coi đây là một dạng tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia để đưa vào phạm vi điều chỉnh của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC). Nếu được chấp nhận thì việc thực thi quyền tài phán (theo nghĩa hẹp) của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế đối với hành vi đánh bắt IUU sẽ bị chia sẻ với các quốc gia thành viên khác của TOC. Điều này có vẻ sẽ khó được các quốc gia ven biển chấp thuận vì nó liên quan trực tiếp đến quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế. Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp hình sự, như đã nói ở trên, sẽ bị giới hạn và “khó thi hành” vì vấp phải quy định tại Điều 73(3) của UNCLOS. Chính vì vậy, cho đến hiện nay, quan điểm hình sự hóa IUU vẫn chưa được các nước chấp nhận. Thay vào đó, các quốc gia vẫn khuyến khích sử dụng các biện pháp hành chính, dân sự.
         2. Hiệp định thúc đẩy tuân thủ các biện pháp quốc tế về bảo tồn và quản lý thực hiện bởi tàu cá tại vùng biển quốc tế của FAO năm 1993
          Hiệp định này được các quốc gia thành viên của FAO thông qua vào ngày 24/11/1993 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 24/4/2003. Hiệp định này hướng đến trách nhiệm của quốc gia tàu mang cờ cũng như thúc đẩy việc trao đổi thông tin về các hoạt động nghề cá tại vùng biển quốc tế.
Trong văn kiện này, các thành viên của Hiệp định đã thống nhất thông qua một loạt các nghĩa vụ mà quốc gia phải thực hiện để quản lý và giảm thiểu IUU như: các quốc gia thành viên phải cấp phép cho việc đánh bắt thủy sản tại vùng biển quốc tế của tàu cá mang tàu quốc gia mình; phải có khả năng thực hiện hiệu quả trách nhiệm của mình theo Hiệp định; đảm bảo tàu cá mang cờ quốc gia mình phải có lịch trình hàng hải khi đánh bắt thủy sản tại vùng biển quốc tế; phải có quy định đối với việc cấp phép cho tàu mang cờ và giấy phép sẽ hết hiệu lực nếu như tàu cá không đáp ứng đủ điều kiện khai thác thủy sản bền vững tại vùng biển quốc tế… Quốc gia thành viên cũng không thể cấp phép đối với các tàu cá đã được một quốc gia thành viên khác cấp phép hay tiến hành các hoạt động làm giảm tính hiệu quả các biện pháp quốc tế về bảo tồn và quản lý nguồn cá tại vùng biển quốc tế…
Để giám sát quá trình thực thi các nghĩa vụ này, Hiệp định cũng quy định rằng, các tàu cá khi khai thác thủy sản tại vùng biển quốc tế phải được đánh dấu để nhận biết theo tiêu chuẩn quốc tế và phải cung cấp thông tin về hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển quốc tế cho quốc gia tàu mang cờ. Các quốc gia thành viên cũng cần thực hiện các biện pháp cần thiết đối với các tàu cá vi phạm quy định của Hiệp định và phải có quy định trong nội luật về việc cưỡng chế tàu cá tuân thủ các quy định có liên quan của Hiệp định. Để thực hiện được việc kiểm soát này, Hiệp định cũng thúc đẩy các bên tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế và trao đổi thông tin liên quan đến tàu cá hoạt động tại khu vực biển quốc tế thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu được quản lý bởi FAO.
            3. Hiệp định về biện pháp của các quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xoá bỏ IUU của FAO
            Hiệp định này được thông qua tại Hội nghị lần thứ 36 của FAO vào năm 2009 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 05/6/2016. Mục tiêu chính của Hiệp định là khuyến khích các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp tại cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và tiến tới xoá bỏ hoàn toàn IUU. Để thực hiện mục tiêu này, Hiệp định đề xuất các quốc gia thành viên có cảng áp dụng các quy định của Hiệp định một cách có hiệu quả đối với tàu cá nước ngoài cập cảng hoặc đang neo đậu tại cảng nước mình, góp phần thống nhất các biện pháp của quốc gia có cảng, đồng thời tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế và ngăn ngừa các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ IUU xâm nhập thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Hiệp định khuyến khích các quốc gia (kể cả quốc gia không phải thành viên) nội luật hoá các quy định của Hiệp định trong pháp luật nước mình.
           Việc tăng cường biện pháp tại cảng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống IUU và hỗ trợ tích cực cho nỗ lực của các quốc gia tàu mang cờ trong việc hoàn thành nghĩa vụ của họ theo luật quốc tế. Hiệp định tạo điều kiện cho quốc gia có cảng kiểm tra và giám sát tàu cá không treo cờ quốc gia mình có ý định xin cấp phép cập cảng hoặc đang ở trong cảng nhằm đảm bảo tàu cá không tham gia vào các hoạt động IUU. Hiệp định cũng tăng cường sự kiểm soát của quốc gia tàu mang cờ đối với tàu cá của họ khi hoạt động tại khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia thông qua việc yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác khi được quốc gia có cảng yêu cầu hoặc khi tàu cá mang cờ quốc gia mình đang bị coi là thực hiện IUU. Hiệp định cũng khuyến khích hợp tác quốc tế và trao đổi thông tin giữa các quốc gia ven biển, quốc gia tàu mang cờ và các tổ chức nghề cá khu vực.
         Bổ sung thêm các quy định so với các điều ước quốc tế liên quan, Hiệp định này cũng quy định trách nhiệm của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMOs) trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực về phòng, chống IUU. Việc hợp tác khu vực sẽ hỗ trợ các quốc gia có cảng và các quốc gia thành viên của RFMO trong việc đảm bảo các quốc gia này có thể hưởng lợi từ thông tin thu thập được từ việc thực hiện các biện pháp tại cảng. Theo quy định của Hiệp định, các RFMO sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực, bao gồm việc hài hoà biện pháp của các RFMO và các biện pháp cụ thể được thực hiện tại các quốc gia có cảng khiến cho các sản phẩm IUU khó thâm nhập thị trường và không thể được tiêu thụ, góp phần vào việc giảm thiểu IUU.[
         Ngoài các văn kiện trên, IUU còn được tìm thấy trong một số điều ước như: Hiệp định thúc đẩy việc tuân thủ các biện pháp quốc tế về bảo tồn và quản lý thực hiện bởi tàu cá tại vùng biển quốc tế của FAO năm 1993, Hiệp định thực thi các điều khoản của Công ước năm 1982 về bảo tồn và quản lý các đàn cá lưỡng cư và di cư xa của Liên hợp quốc năm 1995… Nhìn chung, qua các văn kiện này có thể thấy rằng, các quy định về IUU, đặc biệt là những quy định liên quan đến trách nhiệm của các quốc gia đối với hành vi IUU, còn những hạn chế nhất định khi các giải pháp ngăn ngừa vẫn chủ yếu tập trung vào các biện pháp hành chính – dân sự; đồng thời trách nhiệm của các quốc gia (bao gồm cả quốc gia ven biển, quốc gia tàu mang cờ…) vẫn còn khá cầm chừng và bị chi phối bởi nhiều yếu tố…Để giải quyết triệt để “hiện tượng” này đòi hỏi các quốc gia có sự kết hợp đa dạng các biện pháp khác nhau, trong đó bao gồm cả việc sử dụng hiệu quả các công cụ pháp lý quốc tế và quốc gia; xây dựng và củng cố năng lực thực thi quyền tài phán của các quốc gia ven biển; đẩy mạnh hoạt động hợp tác, đối thoại quốc tế giữa các nước.
Phòng Nuôi trồng thủy sản - Dẫn nguồn: https://iuscogens-vie.org/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
qc tc
ql cs
pmsh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập338
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm327
  • Hôm nay16,376
  • Tháng hiện tại116,592
  • Tổng lượt truy cập13,954,764
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây