Các biện pháp quản lý nghề cá – góc nhìn từ thực tiễn
Thứ năm - 09/06/2022 04:399970
Trên thế giới hiện có nhiều biện pháp để quản lý nghề cá nhằm duy trì tối ưu nguồn lợi thủy sản, hướng tới sự phát triển bền vững nghề khai thác. Những biện pháp quản lý nghề cá phổ biến bao gồm: quản lý kỹ thuật, quản lý đầu vào, quản lý đầu ra…
Tại Việt Nam, việc quản lý nghề cá cũng đã được quan tâm và quy định rõ bởi các văn bản pháp quy như Luật, Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn thực hiện… Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 được ban hành (thay thế Luật Thủy sản số 17/2003/QH11), có hiệu lực từ ngày 01/01/2019; cùng với 02 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 08 Thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có những quy định mới trong công tác quản lý nghề cá. Theo đó, Việt Nam đang áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp quản lý nghề cá, bao gồm: - Quản lý ngư cụ và nghề khai thác: Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định chi tiết các loại ngư cụ, nghề khai thác bị cấm sử dụng tại các vùng nước cụ thể, quy định về kích thước mắt lưới tối thiểu của các loại ngư cụ khai thác ở vùng biển, vùng nước nội địa. Quy định này nhằm hạn chế việc khai thác các loài cá còn nhỏ, chưa đủ kích thước trưởng thành để khai thác, từ đó bổ sung nguồn lợi thủy sản khai thác. Đồng thời quy định cấm một số nghề khai thác tại các vùng ven bờ (như nghề lưới kéo, nghề sử dụng ánh sáng) cũng tạo điều kiện cho nguồn lợi phát triển.
Ảnh 1: Nghề chụp 4 sào – loại nghề khai thác phát triển tại Nghệ An - Quản lý ngư trường khai thác: Vùng biển Việt nam được phân thành 3 vùng khai thác: vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi (theo quy định tại Điều 42, Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ). Việc phân vùng khai thác này gắn liền với hoạt động khai thác của các loại tàu cá (Điều 42, Nghị định 26/2019/NĐ-CP). Các loại tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m hoạt động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ; tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12m hoạt động vùng ven bờ, không được hoạt động vùng lộng và vùng khơi; tàu đăng ký tại tỉnh nào thì hoạt động vùng ven bờ của tỉnh đó, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác của UBND các tỉnh. Quy định này nhằm đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản mang lại hiệu quả tối ưu, hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, đồng thời đảm bảo tính an toàn của phương tiện khi hoạt động khai thác (điều chỉnh quản lý tàu cá bằng chiều dài lớn nhất của tàu cá, thay thế quản lý bằng công suất máy). - Quản lý mùa vụ khai thác: Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT cũng nêu rõ các khu vực (theo các tọa độ cụ thể) cấm khai thác thủy sản có thời hạn (theo từng thời gian nhất định). Phương pháp quản lý này nhằm đảm bảo bảo vệ được các đối tượng thủy sản đặc hữu hoặc khu vực sinh sản, ương dưỡng nguồn lợi thủy sản, từ đó bổ sung vào nguồn lợi thủy sản khai thác. - Quản lý đầu vào: hiện nay biện pháp quản lý đầu vào được áp dụng tại Việt Nam là quản lý số lượng tàu cá, theo chiều dài lớn nhất (Lmax) của tàu cá. Số lượng tàu cá của từng vùng khai thác được giới hạn bởi hạn ngạch giấy phép khai thác, trong đó, giấy phép khai thác vùng khơi do Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố cho các tỉnh; UBND các tỉnh tự công bố hạn ngạch giấy phép khai thác vùng lộng và vùng ven bờ. Để mua, cải hoán, đóng mới tàu cá, ngư dân cần có văn bản chấp thuận của Sở Nông nghiệp và PTNT, tùy thuộc vào hạn ngạch hiện có. Hạn ngạch giấy phép vùng khơi của các tỉnh sẽ được điều chỉnh tăng giảm khi phát sinh hoạt động mua bán tàu cá (có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên) giữa các tỉnh, khi đó, hạn ngạch giấy phép của tỉnh có tàu bán đi sẽ giảm, điều chỉnh tăng tương ứng cho tỉnh mua tàu cá. Ngoài các biện pháp quản lý nghề cá nêu trên, Luật Thủy sản 2017 đã nêu thêm biện pháp quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng, đồng quản lý nghề cá. Hình thức quản lý này đã được hỗ trợ xây dựng thí điểm bởi các dự án từ những năm 2000 và bước đầu đã cho những kết quả tích cực. Đặc biệt là đối với những khu vực có sinh cảnh đa dạng, những khu vực có thể tạo sinh kế cho ngư dân bằng các nghề khác (như du lịch, bảo tồn…) thay thế sinh kế từ nghề khai thác. Đây có thể được coi là một biện pháp hữu hiệu nhằm giúp nhà nước quản lý được nguồn lợi thủy sản tại những khu vực đặc biệt mà không đòi hỏi nhiều về nguồn lực của nhà nước. Các mô hình đồng quản lý được ghi nhận có hiệu quả như mô hình đồng quản lý đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên Huế), đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ tại đầm Thị Nại, Trà Ổ, Đề Gi (Bình Định), mô hình đồng quản lý đầm Nha Phu (Khánh Hòa), quản lý dựa vào cộng đồng tại Khu bảo tồn Hòn Cau (Bình Thuận)… Các biện pháp quản lý này cho thấy Việt Nam từng bước điều chỉnh công tác quản lý nghề cá phù hợp với các phương pháp quản lý của thế giới, trong đó biện pháp thay thế quản lý tàu cá theo công suất máy chính bằng chiều dài lớn nhất của tàu cá nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác. Tuy nhiên, những biện pháp quản lý này chưa thực sự hiệu quả khi ngư dân khai thác hải sản với sản lượng vượt quá mức sản lượng khai thác tối ưu, làm cho nguồn lợi thủy sản ngày một suy giảm nặng nề. Ngoài các biện pháp quản lý nghề cá hiện Việt Nam đang áp dụng, hiện nay một số nước đã áp dụng quản lý theo đầu ra. Biện pháp quản lý theo đầu ra là quản lý dựa vào sản lượng khai thác, bao gồm quản lý theo hạn ngạch sản lượng khai thác và quản lý tổng sản lượng khai thác cho phép tối đa. Tuy nhiên, những nước có nghề cá quy mô nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn khi áp dụng biện pháp quản lý theo đầu ra.
Ảnh 2: Tàu cá lớn nhỏ cập bến tự phát Theo quy định, các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải được bốc dỡ sản phẩm tại các cảng cá chỉ định. Với số lượng tàu cá khai thác vùng khơi của Việt Nam gần 30.000 chiếc, trong khi cảng cá chỉ định có có đủ hệ thống giám sát, xác nhận nguồn gốc sản phẩm khai thác trên toàn quốc là 49 cảng cá. Với tình trạng bồi lắng ở cửa lạch, đặc biệt là khu vực các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ, tàu cá chỉ có thể ra vào cửa lạch khi thủy triều lên, gây ra tình trạng quá tải cục bộ, khó có thể kiểm soát chính xác được sản lượng khai thác bốc dỡ qua cảng. Đối với nghề cá quy mô nhỏ như tại Việt Nam, ngư dân có thể bốc dỡ cá tại nhiều điểm không phải là cảng cá chỉ định. Thực tế cho thấy không chỉ các tàu cá nhỏ (dưới 15m) mới bốc dỡ sản phẩm tại các bến tự phát (không có tổ chức quản lý cảng cá) mà các tàu cá khai thác vùng khơi cũng thường xuyên bốc dỡ sản phẩm ngoài các cảng cá chỉ định. Điều này dẫn đến việc kiểm soát sản lượng khai thác của ngư dân là không thể thực hiện được. Với đặc thù nghề cá và vùng biển nhiệt đới, ở Việt Nam hầu hết là khai thác đa loài, trừ một số nghề có tính chọn lọc cao như câu (câu mực, câu cá ngừ…) hay một số nghề rê (rê sam, rê thu…) thì sản phẩm khai thác thường có nhiều loại, kích thước khác nhau. Do đó, việc giám sát sản lượng khai thác cũng rất khó khăn, công tác thống kê sản lượng để quản lý theo sản lượng không chính xác, hiệu quả. Với đặc điểm là vùng biển nhiệt đới, nguồn lợi phong phú, đa dạng nên việc xác định, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản gặp nhiều khó khăn và tính chính xác không cao. Trong thời gian qua, Viện Nghiên cứu Hải sản Hải phòng đã tiến hành đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển Việt Nam, tuy nhiên, số liệu đưa ra chưa đủ tính chính xác để làm cơ sở xác định hạn ngạch sản lượng khai thác. Từ đó, có thể thấy biện pháp quản lý nghề cá theo đầu ra tại Việt Nam là rất khó khăn và không hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Để nghề cá Việt Nam hướng tới sự bền vững, chúng ta cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp nhằm đáp ứng các yêu cầu về quản lý, kiểm soát hiệu quả sản lượng, nguồn gốc các sản phẩm hải sản khai thác. Ảnh và tin bài: TNL