Biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của mưa lũ trong nuôi trồng thủy sản

Chủ nhật - 16/10/2022 22:43 1.251 0
Do ảnh hưởng của cơn bão số 4 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn kéo dài gây thiệt hại cho nhiều diện tích đang nuôi trồng thủy sản. Theo thống kê của các địa phương, có 19 huyện, thành, thị có diện tích nuôi thủy sản chịu thiệt hại với tổng diện tích 10.165,89 ha, trong đó có 9.122,01 ha thiệt hại trên 70% và 1.043,88 ha thiệt hại từ 30-70%.
 
Ảnh: Ngập lụt các vùng nuôi tôm tại thị xã Hoàng Mai

Để kịp thời khắc phục các thiệt hại và hạn chế các tác động của biến đổi môi trường nuôi sau mưa bão đối với thủy sản nuôi, bà con nuôi trồng thủy sản cần áp dụng các biện pháp sau:
1. Đối với ao, đầm nuôi trồng thủy sản
- Xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; đồng thời tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh;
- Kiểm tra, gia cố bờ ao đảm bảo chắc chắn; nạo vét, khơi thống cống, rãnh, kênh mương đảm bảo thoát nước tốt khi xảy ra các đợt mưa lớn tiếp theo;
- Thu gom, xử lý rác, thủy sản chết (nếu có) và các chất thải khác trong khu vực nuôi, không để ô nhiễm môi trường; rửa và sát trùng dụng cụ nuôi, bờ ao bằng các loại thuốc sát trùng thông thường (vôi, clorin, TCCA); 
 - Khi mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi bị đục, pH bị giảm đột ngột nên rải vôi xung quanh bờ ao (khoảng 10kg/100 m2), kết hợp bón vôi cho ao, đầm nuôi để ổn định pH nước và làm giảm độ đục của nước ao:
+ Đối với ao nuôi thủy sản nước ngọt: Lượng vôi bón 0,7-1kg/100m3 nước;
+ Đối với ao nuôi thủy sản nước mặn lợ: Lượng vôi bón 2 -3kg/100m3 nước;
- Khi ngừng mưa, nhiệt độ trong nước tăng lên, các chất hữu cơ phân hủy nhanh tạo ra các khí độc như H2S, NH3 trong ao làm tôm, cá dễ bị ngộ độc, cần sử dụng các sản phẩm như Yucca, Zeolite,… để giải phóng khí độc trong ao nuôi. Khi thời tiết ổn định, sử dụng các thuốc như Iodine, BKC,… để diệt khuẩn trong ao nuôi, sau đó sử dụng men vi sinh để cải thiện môi trường và ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh.
- Cần chủ động các thiết bị, hóa chất để tăng cường ôxy hòa tan trong nước và đề phòng tình trạng thiếu ôxy cục bộ xảy ra như máy quạt nước, máy bơm, sục khí hoặc Oxy (dạng viên hoặc dạng bột).
- Kiểm tra, bảo quản tốt thức ăn cho thủy sản nuôi, tránh bị ẩm mốc; quản lý lượng thức ăn cho ăn, tránh dư thừa.
- Bổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng, phòng bệnh cho thủy sản nuôi.
- Tăng cường chăm sóc, quản lý ao nuôi, kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường ao nuôi, sức khỏe thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.
* Đối với các ao, hồ đập đủ điều kiện thả nuôi có thể thả giống bổ sung từ nay đến hết tháng 11/2022; mật độ 40 - 100 kg/ha; kích cỡ 10 - 25 con/kg.
* Đối với các ao tôm đã thả nuôi cần chú ý kiểm tra, duy trì độ kiềm từ 100 - 120mg/l trở lên bằng cách đánh Dolomite hoặc các loại khoáng tăng kiềm, tránh hiện tượng tụt kiềm làm tôm mềm vỏ; đồng thời theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường khác như pH, DO, NH3,… để có biện pháp xử lý kịp thời.
* Những cơ sở đủ điều kiện thả nuôi tôm vụ đông cần tiến hành xử lý kịp thời để xuống giống từ nay cho đến ngày 30/10/2022 theo lịch thời vụ khuyến cáo.
2. Đối với lồng, bè nuôi trồng thủy sản
- Kiểm tra ngay lồng bè để kịp thời sửa chữa, tránh thất thoát thủy sản nuôi; vệ sinh hệ thống dây neo, phao lồng, lưới để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất trở lại bình thường;
- Kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng cho phép. Di chuyển lồng, bè về lại vùng nuôi (nếu trước bão phải di chuyển lồng, bè để tránh bão);
- Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường như hàm lượng oxy hòa tan, độ mặn (đối với lồng nuôi cửa sông, cửa lạch),… và sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.
3. Đối với nuôi ngao/nghêu bãi triều ven biển
- Khi nước thủy triều xuống, tiến hành kiểm tra, tu sửa đăng, chắn.
- Sau mưa bão, ngao thường tập trung vào các góc đăng, chắn. Cần tiến hành san đều ra toàn bãi.
- Chủ động theo dõi, kiểm tra các diễn biến của ngao, thực hiện tốt việc khai thông các vùng nước đọng, tránh hiện tượng ứ nước ngọt cục bộ kéo dài làm chết ngao nuôi.
- Các bãi đủ điều kiện nuôi có thể thả bổ sung giống từ 01/10 - 30/11/2022; mật độ 150 - 200 con/m2; kích cỡ 500 - 1000 con/kg theo lịch mùa vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành./.
Nguồn: Phòng nuôi trồng thủy sản

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
qc tc
ql cs
pmsh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập30
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay19,459
  • Tháng hiện tại380,419
  • Tổng lượt truy cập14,218,591
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây