Bệnh “mờ đục thân” - Bệnh mới gây nguy hiểm trên tôm thẻ chân trắng

Thứ sáu - 29/09/2023 02:53 481 0
Theo thông tin từ Cục Thuỷ sản, bệnh mờ đục thân (TDP) xuất hiện ở các trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng tại Trung Quốc từ khoảng tháng 3 năm 2020. Tác nhân gây bệnh là chủng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus -loài gây bệnh khác so với Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp đã được công bố trước đây nhưng có độc lực cao hơn.
Khi mắc bệnh, tôm giống có các các triệu chứng chính là gan tụy và ruột trắng trong suốt, cơ thể mờ nhạt và teo nhỏ, nhìn trong suốt cơ nên có tên gọi là “translucent post-larvae” (các biểu hiện này gần giống như biểu hiện của bệnh hoại tử gan tụy cấp), bệnh gây ra tỷ lệ chết cao ở giai đoạn tôm giống, đặc biệt là từ PL4 đến PL7 tỷ lệ chết có thể lên 90-100% chỉ sau 1 ngày phát hiện dấu hiệu bất thường.
Ảnh: Xử lý kỹ bể và nước cấp trước khi đưa vào trại sản xuất
Để đề phòng bệnh xuất hiện và lây lan, các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống cần phải xây dựng và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học để ngăn chặn tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở và mầm bệnh từ cơ sở (nếu có) ra ngoài môi trường; kiểm soát tốt các đường lây của các mầm bệnh từ vi khuẩn như:  thực hiện quy trình rửa Nauplius đúng cách trước khi đưa vào bể ương dưỡng; có thể sử dụng các vi sinh vật có lợi có khả năng ức chế sự phát triển của V.parahaemolyticus để bổ sung vào thức ăn hoặc nước nuôi để cải thiện sức khỏe và khả năng miễn dịch của tôm giống; phải kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ và tôm giống, đông lạnh thức ăn tươi sống; thực hiện nghiêm quy trình khử trùng, diệt khuẩn nước trước khi đưa vào sử dụng; đối với công cụ, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, người ra vào trại phải có quy trình vệ sinh, khử trùng tiêu độc, đảm bảo hiệu quả khử trùng (bảo hộ, hố khử trùng, khử trùng định kỳ,…). Bên cạnh đó, trước khi nhập khẩu tôm giống, tôm bố mẹ từ Trung Quốc cần phải lấy mẫu xét nghiệm đảm bảo tôm không bị bệnh mới nhập khẩu vào Việt Nam; mua tôm giống từ những cơ sở uy tín hoặc đã được xét nghiệm âm tính với các bệnh khác theo quy định về kiểm dịch động vật thủy sản.
Ảnh: Theo dõi môi trường nước và kiểm tra sức khoẻ tôm nuôi
Đối với cơ sở nuôi tôm thương phẩm, sau khi thu hoạch cần thu gom bùn đáy ao, chất thải trong quá trình nuôi đưa ra ngoài khu vực nuôi để phơi khô, xử lý đúng quy định trước khi tiếp tục thả nuôi vụ mới; đối với ao phủ bạt rửa sạch bằng nước ngọt, phơi khô và khử trùng bằng nước vôi hoặc hóa chất; lấy nước qua hệ thống túi lọc để loại bỏ một số loài vật chủ trung gian truyền bệnh cũng như ngăn chặn các loài thủy sản khác xâm nhập vào cơ sở. Thực hiện xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi (lắng, diệt khuẩn các tác nhân gây bệnh củng như loại thủy sản khác, gây màu nước...) theo quy định; chọn con giống khỏe mạnh, đã được kiểm dịch đảm bảo không nhiễm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm đặc biệt là không nhiễm vi khuẩn V.parahaemolyticus để thả nuôi.Trong quá trình nuôi cần thường xuyên theo dõi và quản lý sức khỏe tôm nuôi; đo, kiểm tra các thông số môi trường nước ao nuôi để  phát hiện và xử lý kịp thời những bất thường xảy ra, đồng thời áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học để quản lý ao nuôi tôm như: hạn chế cho người lạ vào khu vực nuôi, thực hiện khử trùng dụng cụ ngay sau khi sử dụng; nguồn nước thay, bổ sung vào ao nuôi phải được khử trùng.
Cảnh Hoàng - Phòng Nuôi trồng thuỷ sản

Tác giả: Cán bộ 1

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
qc tc
ql cs
pmsh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay14,993
  • Tháng hiện tại358,584
  • Tổng lượt truy cập14,196,756
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây