Ngư dân Nghệ An vững tin vươn khơi, tăng hiện diện Quốc kỳ Việt Nam trên biển
- Thứ tư - 14/05/2025 03:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển" góp phần chia sẻ khó khăn với các gia đình ngư dân, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
Ngày 14-5, tại hội trường UBND phường Nghi Thủy, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An, tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển".
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An; ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM - Trưởng Ban tổ chức chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển"; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Nghệ An; đại diện các nhà tài trợ; các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, địa phương và đông đảo bà con ngư dân tỉnh Nghệ An.


Kinh tế biển - ngành mũi nhọn của Nghệ An
Tại chương trình, ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An, cho biết vùng biển Nghệ An có vị trí địa lý kinh tế - chính trị hết sức thuận lợi, được xem là cửa ngõ quan trọng, là “mặt tiền” không chỉ riêng của Nghệ An mà cả khu vực Bắc Trung Bộ.
"Nghệ An xác định phát triển kinh tế biển trở thành ngành mũi nhọn, trong đó ưu tiên phát triển các ngành: dịch vụ cảng biển, dịch vụ du lịch biển, khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản", ông Học cho hay.

Những năm qua, kinh tế biển nói chung, kinh tế thủy sản nói riêng của tỉnh Nghệ An có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Tổng số tàu cá toàn tỉnh là 2.717 tàu, trong đó tàu khai thác vùng khơi là 1.042 chiếc. Tổng số lao động khai thác hải sản toàn tỉnh là 11.672 người.
Tổng sản lượng khai thác 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 64.979 tấn, đạt 33,49% so với kế hoạch năm, tăng 3,49% so với cùng kỳ năm trước, giá trị ước đạt 1.625 tỉ đồng.
"Tuy nhiên, ngư dân Nghệ An vẫn còn rất nhiều hộ gia đình gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ, sẻ chia từ các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhà tài trợ để kịp thời động viên các gia đình, các cháu học sinh là con em các gia đình khai thác thủy sản có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học", ông Học chia sẻ.

Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” rất thiết thực và ý nghĩa.
"Chương trình thể hiện sự quan tâm, sẻ chia của báo Pháp Luật TP.HCM, góp phần chia sẻ khó khăn với gia đình các ngư dân và động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, tăng cường sự hiện diện Quốc kỳ Việt Nam trên các vùng biển để tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc", ông Học nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An đề nghị thời gian tới các cơ quan liên quan cùng các địa phương ven biển cần tiếp tục các hoạt động nhằm lan tỏa chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”, đồng thời quan tâm hỗ trợ các gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn.
UBND TP Vinh, UBND các xã trọng điểm nghề cá phải vào cuộc quyết liệt thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý hoạt động khai thác hải sản, góp phần sớm khắc phục “thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu.

Cảnh sát biển Việt Nam tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Ảnh: PHI HÙNG
Bà con ngư dân, đặc biệt là các chủ tàu, thuyền trưởng chấp hành tốt các quy định về khai thác hải sản, khai thác đúng nghề, đúng vùng biển, khai thác kết hợp với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Sớm đưa thủy sản Nghệ An vươn ra thế giới
Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” được chính thức khởi động từ đầu năm 2023, do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức. Chương trình sẽ đến với 28 tỉnh, thành giáp biển trên cả nước, với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỉ đồng.
Tỉnh Nghệ An là địa phương có biển thứ 22 mà báo tổ chức chương trình này.
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM - Trưởng Ban tổ chức chương trình, chia sẻ: "Chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển' là chương trình thiện nguyện xã hội có ý nghĩa chính trị quan trọng và các giá trị nhân văn cao quý. Lần này, chúng tôi rất vui mừng khi chương trình đến với chính quyền và bà con ngư dân tỉnh Nghệ An".

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp Luật TP.HCM đã đoạt giải Nhất giải Báo chí TP.HCM lần thứ 42 năm 2024 và mới đây nhất là đoạt giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần 4 năm 2025.
Lãnh đạo trung ương và nhiều tỉnh, thành trong cả nước cùng với nhân dân đánh giá đây là chương trình xã hội thiện nguyện có giá trị, mang ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc.
Ông Nguyễn Thái Bình cho biết với sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, chính quyền địa phương và sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp, đơn vị, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã tổ chức nhiều hoạt động để góp phần gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam, thúc đẩy việc phát triển đời sống của ngư dân và phát triển kinh tế biển.
Cụ thể, chương trình đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo pháp lý về chủ đề giải pháp gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản; tổ chức chương trình “Đáp lời ngư dân” với hình thức hỏi đáp giữa bà con ngư dân và chính quyền; xuất bản và ấn hành phát tặng cho ngư dân sách cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”…
Chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển" đã trực tiếp thăm hỏi, tặng hơn 3.800 phần quà cho ngư dân (trị giá khoảng 15 tỉ đồng); khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hàng nghìn ngư dân; trao tặng gần 600 suất học bổng (trị giá hơn 1 tỉ đồng) và rất nhiều phần quà giá trị khác cho con em ngư dân vượt khó học giỏi.
"Với thế mạnh pháp lý của mình, chúng tôi đã cố gắng có những hoạt động truyền thông pháp luật thật gần gũi với đời sống ngư dân, phù hợp với từng địa phương, sát thực tiễn và hiệu quả", ông Bình nói.
Đối với những cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, nhà tài trợ, ông Nguyễn Thái Bình nhìn nhận, báo luôn tâm niệm rằng làm sao để tình cảm và tài lực mà các nhà tài trợ gửi gắm đến chương trình phải đến đúng người, đúng lúc, có giá trị thực tế về vật chất lẫn tinh thần; làm sao để chương trình gặt hái được những thành quả có ý nghĩa lớn về chính trị, xã hội và nhân văn.
"Đó vừa là áp lực lớn nhưng cũng là động lực rất lớn để ê kíp chương trình dốc toàn bộ tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo để xây dựng và thực hiện các chương trình ở lần lượt các tỉnh, thành có biển"- Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM nhấn mạnh.



Trong năm 2025, bên cạnh các hoạt động truyền thông pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), Ban tổ chức chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển" hướng tới việc hỗ trợ bà con ngư dân phát triển kinh tế biển bền vững theo đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ.


Khẳng định Nghệ An là địa phương sở hữu nhiều lợi thế nổi bật để phát triển kinh tế biển bền vững, ông Nguyễn Thái Bình nhận định nhiều hộ dân, hợp tác xã và cả lãnh đạo ngành thủy sản địa phương đều mong mỏi Việt Nam sớm được gỡ “thẻ vàng IUU” từ Ủy ban châu Âu, bởi đây không chỉ là rào cản xuất khẩu mà còn là chìa khóa mở ra thị trường rộng lớn cho các sản phẩm thủy sản chất lượng cao của Nghệ An vươn ra thế giới.
"Báo Pháp Luật TP.HCM kỳ vọng bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển' sẽ góp phần nâng cao đời sống của bà con ngư dân khi làm kinh tế biển; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của bà con ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển. Qua đó, cùng Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương, cấp bách tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam theo Kế hoạch Hành động mà Thủ tướng đã ban hành", ông Bình nói.

Em Nguyễn Thị Kiều Dung, học sinh lớp 6 trường THCS Nghi Tân, TP Vinh, cho biết cảm thấy rất vui khi nhận được những phần quà từ chương trình. Nhà em có 4 anh chị em, mỗi món trong phần quà đều rất phù hợp với từng người.
"Từ hôm qua em đã rất mong đến ngày hôm nay để có thể đến đây. Trong phần quà có sữa, em sẽ để cho em gái em, còn vở và cặp sách thì em mang đi học, tiền mặt thì cho 2 anh trai em học cấp 3 mua thêm sách tham khảo"- Dung chia sẻ.

Còn ông Phạm Văn Tỉnh, xã Phúc Thọ, TP Vinh, một ngư dân với hơn 25 năm kinh nghiệm bám biển, cho biết các phần quà từ Ban tổ chức chương trình dành cho ngư dân rất thiết thực bởi "đều là những món gắn liền với đời sống của bà con vùng biển".
"Mỗi tháng, chúng tôi dành ít nhất 1/3 thời gian trên biển. Các tổ chức, đơn vị, nhà tài trợ tặng quà gì cũng là quý, đều thể hiện sự chia sẻ, quan tâm đối với bà con. Riêng về chính quyền địa phương, chúng tôi cũng được tạo điều kiện hỗ trợ rất nhiều, tuy nhiên tôi mong muốn vấn đề phá hoại môi trường được kiểm soát chặt chẽ hơn", ông Tỉnh cho hay.


Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức từ đầu năm 2023, diễn ra tại 28 tỉnh, thành có biển trên cả nước với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỉ đồng, nhằm hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng bà con ngư dân; sát cánh cùng Chính phủ và chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản của Việt Nam.
Trong năm 2025, bên cạnh các hoạt động truyền thông pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), Ban tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển" cũng hướng tới việc hỗ trợ bà con ngư dân phát triển kinh tế biển bền vững theo đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ.
Tại tỉnh Nghệ An, Ban tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.
Ban tổ chức thăm hỏi, động viên và trao tặng 100 phần quà cho ngư dân (mỗi phần quà trị giá hơn 4 triệu đồng), gồm: bình ắc quy, bóng đèn led, túi thuốc, hộp combo pin con ó và 1 cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” (do Báo Pháp luật TP.HCM chủ biên).
Bên cạnh đó, Ban tổ chức chương trình trao tặng 30 suất học bổng (mỗi suất trị giá khoảng 3 triệu đồng, gồm tiền mặt và một số dụng cụ học tập) cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi.
Ban tổ chức mong muốn bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, chương trình sẽ góp phần hiệu quả trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của bà con ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển. Qua đó, cùng Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương, cấp bách tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam theo Kế hoạch Hành động mà Thủ tướng đã ban hành.