Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An

http://chicucthuysannghean.gov.vn


XỬ LÝ NGHIÊM TÀU CÁ MẤT TÍN HIỆU KẾT NỐI TRÊN BIỂN QUÁ 10 NGÀY

Khi nhận được thông báo tàu cá mất kết nối trên 10 ngày trên biển, địa phương phải xác nhận và trả lời kết quả xử lý bằng văn bản về Tổng cục Thủy sản.

Theo Bộ NN-PTNT, qua đợt thanh tra của Đoàn thanh tra EC tại Việt Nam vào tháng 10/2022 vừa qua, đoàn EC đánh giá cơ quan trung ương đã nỗ lực rất lớn trong việc theo dõi, phát hiện các tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu cá bị mất kết nối trên 10 ngày trên biển và xử lý kịp thời thông báo gửi cho các địa phương để xử lý tàu cá vi phạm giám sát hành trình.

Tuy nhiên, kết quả xử lý của các địa phương chủ yếu chỉ ở mức độ lập biên bản nhắc nhở không tái phạm và rất ít trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, rất nhiều địa phương chưa phối hợp xử lý khi nhận thông báo hoặc đã có báo cáo nhưng chưa xử lý đến cùng vụ việc theo quy định.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2021, trên cả nước đã xảy ra 853 lượt tàu mất kết nối thiết bị giám sát hành trình VMS, trong đó có đến 119 lượt tàu/7 tỉnh, thành phố chưa xử lý đến cùng (chiếm 13,95%); 300 lượt tàu/21 tỉnh, thành phố không phản hồi kết quả xử lý (chiếm 35,16%).

Năm 2022 (tính đến 25/10/2022) đã xảy ra 412 lượt tàu mất kết nối VMS, trong đó 108 lượt tàu/8 tỉnh, thành phố chưa xử lý đến cùng (chiếm 26,21%), 46 lượt tàu/9 tỉnh không phản hồi kết quả xử lý (chiếm 11,16%).

Để sớm gỡ thẻ vàng của ngành thủy sản sản Việt Nam, ngày 18/11, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển sau khi nhận được thông báo tàu cá mất kết nối trên 10 ngày trên biển phải xác nhận qua email: giamsattauca.tcts@gmail.com  và trả lời kết quả xử lý bằng văn bản về Tổng cục Thủy sản (qua Trung tâm Thông tin thủy sản, số 10, Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội) để theo dõi, tổng hợp, báo cáo.

Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các tỉnh, thành phố báo cáo đầy đủ kết quả xử lý tới cùng vụ việc đối với các tàu cá bị mất kết nối trên 10 ngày trên biển trong năm 2021, 2022. Báo cáo gửi về Tổng cục Thủy sản trước ngày 30/11/2022. 



Năm 2021, trên cả nước đã xảy ra 853 lượt tàu mất kết nối thiết bị giám sát hành trình VMS, trong đó có đến 119 lượt tàu/7 tỉnh, thành phố chưa xử lý đến cùng.

Theo Tổng cục Thủy sản, thời gian qua, ngành thủy sản đã triển khai đồng bộ các kế hoạch theo đúng 4 khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC), đặc biệt là về khung pháp lý.


Các văn bản đã quy định cụ thể hơn về yêu cầu với thiết bị VMS; trách nhiệm của nhà cung cấp thiết bị VMS khi thiết bị bị hỏng; quy định rõ trong 72 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu xin vào cảng, cơ quan thẩm quyền cần xác minh thông tin về tàu; quy định về hạn ngạch khai thác tại vùng khơi cho từng địa phương...

Tổng cục Thủy sản đánh giá, các tỉnh Quảng Ngãi, Tiền Giang, Khánh Hòa đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ tàu cá vi phạm. Các tỉnh Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Cà Mau, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng có tỷ lệ lắp thiết bị định vị VMS cao, trên 95%. 

Nhằm công khai, minh bạch và chuyển đổi số công tác quản lý, cũng như đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, Tổng cục Thủy sản đã thử nghiệm và triển khai xây dựng phần mềm "Hệ thống chứng nhận nguồn gốc điện tử", với Trung tâm Thông tin thủy sản là cơ quan đầu mối triển khai.
Trong nhiều lần đi kiểm tra thực tế công tác triển khai hoạt động nhằm gỡ thẻ vàng của EC tại các địa phương ven biển, nhấn mạnh về tình trạng tàu cá ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ rõ, yêu cầu bật thiết bị cả khi neo đậu đã được EC khuyến cáo và được quy định rõ trong các văn bản chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.
Dẫn nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam (Phòng QL tàu cá và CSDVHCNC)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây