Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An

http://chicucthuysannghean.gov.vn


Thực trạng và giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, ngành khai thác thủy sản tỉnh Nghệ An đã có bước phát triển khá ổn định, tổng số lượng tàu cá của tỉnh đến nay (đến 31/3/2021) là 3.452 chiếc, trong đó có 1.217 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên, chiếm tỷ lệ 35,25%, gồm những nghề khai thác chủ yếu như lưới chụp, lưới vây, lưới kéo đôi, lưới rê … Tổng số thuyền viên 15.782 người, số lao động tham gia khai thác vùng khơi là 8.899 người. Sản lượng khai thác các loại hải sản của tỉnh Nghệ An trong những năm qua gia tăng không ngừng, mức tăng trưởng bình quân đạt 7% - 8%/năm. Năm 2020 sản lượng khai thác toàn tỉnh đạt 184.080 tấn, tăng 12,46% so với 2019, tổng giá trị sản xuất ước đạt 3.560,958 tỷ đồng. Có thể thấy cơ cấu hoạt động khai thác thủy sản đóng vai trò quan trọng của ngành thủy sản tỉnh nhà, trong đó khai thác hải sản xa bờ là mục tiêu lớn để phát triển kinh tế biển của Đảng và Nhà nước ta. Cùng với đó, thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân vươn khơi, bám biển sản xuất, cùng với sự đầu tư tàu thuyền, trang thiết bị ngày càng hiện đại, đã giúp ngư dân nâng cao được hiệu quả, sản lượng đánh bắt, góp phần phát triển kinh tế địa phương và ổn định đời sống nhân dân. 
Tuy nhiên, như chúng ta biết nghề khai thác thủy hải sản Nghệ An có đặc điểm là nghề cá nhân dân, quy mô nhỏ, ngư dân hầu hết có trình độ văn hóa thấp, ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế, thường sử dụng phương pháp khai thác tận diệt, khai thác sai ngư trường, sai vùng, tuyến; khai thác bằng ngư cụ cấm, không báo cáo khai thác, không ghi và nộp nhật ký khai thác, .v.v. Đây chính là hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (khai thác IUU) mà Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo chúng ta; hệ quả là ngày 23/10/2017, EC đã áp dụng biện pháp cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu (EU), qua đó trực tiếp làm ảnh hưởng đến đời sống ngư dân, cũng như sự phát triển của nghề khai thác thủy sản. Muốn khắc phục tình trạng trên, việc đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm sớm tháo gỡ cảnh báo của EC về khai thác IUU là một đòi hỏi quan trọng và cấp thiết, phải có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và sự ủng hộ của người dân.
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 đến nay, tỉnh Nghệ An đã ban hành 41 văn bản chỉ đạo về chống khai thác IUU và các văn bản triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp & PTNT; đã thành lập Ban Chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (Ban Chỉ đạo IUU) do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo IUU; thành lập Tổ Công tác Liên ngành thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các Cảng cá để triển khai Quyết định số 27/QĐ-BNN-TCTS và Thông tư số 21/2018/TT-BNN&PTNT của Bộ Nông nghiệp & PTNT; đã tổ chức 39 lớp tập huấn để phổ biến, tuyên truyền cho ngư dân các quy định liên quan đến chống  khai thác IUU với hơn 6.000 lượt người tham gia…Về cơ bản, công tác phòng, chống khai thác IUU của tỉnh ta thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, đạt được một số kết quả nhất định. Nhưng, để đáp ứng các yêu cầu theo khuyến nghị của EC thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm và đòi hỏi sự hợp lực của các cấp, ngành, địa phương. Trong đó quan trọng là việc khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra tại văn bản số 5646/BNN-TCTS ngày 19/8/2020 về việc tập trung thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU và nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ra, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Nghệ An, sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan còn có sự nỗ lực của phần lớn bà con ngư dân ven biển. Đặc biệt là việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát (VMS) trên tàu cá theo quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 44 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ. Đến nay, tổng số tàu cá đã đặt thiết bị Giám sát hành trình là 1133/1.214 chiếc, đạt tỷ lệ 93,328%, gồm: 355 thiết bị Movimar của Công ty CLS, 164 thiết bị BASAT1-Bình Anh, 250 thiết bị VNPT, 58 thiết bị Vishipel, 110 thiết bị Viettel S-tracking, 77 thiết bị LTran và 119 thiết bị BK88VN-Điện tử Bách Khoa); Số lượng tàu cá chưa thực hiện việc lắp đặt thiết bị VMS: 81 chiếc, chiếm tỷ lệ 6,672%, trong đó: 24 chiếc đã bán nội tỉnh chưa làm thủ tục đăng ký lại, 10 chiếc bán ngoại tỉnh chưa làm thủ tục rút hồ sơ tàu cá, 05 chiếc đang cải hoán, 03 chiếc là tài sản thế chấp bị ngân hàng thu giữ, 03 chiếc hỏng chờ giải bản, 01 chiếc hiện không ở địa phương, 35 chiếc đậu bờ không đi khai thác.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế như: Chưa có biên bản, hồ sơ xử phạt đối với tàu cá lắp đạt thiết bị VMS nhưng mất kết nối quá thời gian quy định; Công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng tuy có tiến bộ nhưng thực tiễn công tác kiểm tra tàu cá cập cảng chưa đảm bảo đủ độ tin cậy và chưa đáp ứng được yêu cầu của EC về tính xác thực; hiện trạng tàu cá cập cảng không có khai báo theo quy định và chưa áp dụng các biện pháp xử phạt vẫn còn diễn ra; Chưa sử dụng các dữ liệu VMS phục vụ công tác kiểm tra tàu cá cập cảng; xảy ra tình trạng tàu cá địa phương có dấu hiệu vi phạm vùng biển Trung Quốc…
Để công tác chống khai thác IUU đạt kết quả tốt, tiến tới tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC, trong thời gian tới cần phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
          (1) Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của: Thường trực Ban Bí thư tại Văn bản số 81/CV-TW ngày 20/3/2020; Thủ tướng Chính phủ; Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & PTNT về triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.
          (2) Thực hiện nghiêm việc lắp đặt thiết bị VMS theo quy định, rà soát, lập danh sách những tàu chưa lắp để phục vụ công tác theo dõi và quản lý.
          (3) Tổ chức rà soát, tổng hợp số lượng tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản, tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản có chiều dài lớn nhất từ 06m trở lên còn đang hoạt động đã được đăng ký tại địa phương và cập nhật 100% vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase để thống nhất vận hành, phục vụ đối chiếu, kiểm tra, quản lý.
          (4) Kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển, trong đó cần tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt tập trung đối với các tàu không lắp thiết bị giám sát hành trình VMS, hoặc đã lắp nhưng cố tình tắt thiết bị, thiết bị mất kết nối khi hoạt động trên biển.
         (5) Tập trung khắc phục các tồn tại trong công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; tổ chức thu hồi nhật ký khai thác khi tàu cá cập cảng để lên cá, kết hợp đối chiếu với thiết bị giám sát hành trình VMS; duy trì thường xuyên hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất bến tham gia khai thác thủy sản tại vùng biển khơi và kiểm soát tàu cá khi cập bến, lên cá tại cảng cá; tuyệt đối không cho tàu cá chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình xuất bến đi khai thác thủy sản.
         (6) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật để người dân biết, tuân thủ thực hiện, không vi phạm khai thác IUU, đặc biệt kiên quyết ngăn chặn, không để tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; khai thác đúng vùng biển quy định, không vi phạm vùng biển Trung Quốc khi Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã hết hiệu lực.
         (7) Bố trí kinh phí và nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng nhiệm vụ như: Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; công tác quản lý tàu cá … để chống khai thác IUU một cách hiệu quả, bền vững.
          (8) Rà soát lại công tác lưu trữ hồ sơ có hệ thống để phục vụ cho công tác truy xuất nhanh, thuận tiện trong việc quản lý, sử dụng theo yêu cầu.
         Như vậy, để sớm hoàn thành nhiệm vụ chống khai thác IUU, rất cần sự vào cuộc quyết liệt và thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đã đặt ra của các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương, cũng như sự đồng tình ủng hộ, tự giác chấp hành của các doanh nghiệp thủy sản và ngư dân. Chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng không chỉ riêng tỉnh Nghệ An mà phải có sự chung tay, góp sức thực hiện của các cấp, ngành và nhân dân cả nước, nhằm sớm tháo gỡ “Thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam./.
Nguồn: PHÒNG THANH TRA, PHÁP CHẾ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây