Hiện nay, gần 90% trữ lượng các loài thủy sản trên thế giới đã bị khai thác quá mức hoặc cạn kiệt, trong khi hơn 3 tỷ người trên thế giới phụ thuộc vào nguồn thực phẩm thủy sản là nguồn cung cấp protein chính. Trong bối cảnh dân số ngày càng tăng, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng, dẫn đến việc sử dụng ngư cụ đánh bắt thủy sản cũng tăng theo. Lưới rê, lồng và bẫy, chà rạo và các loại ngư cụ khác đang khiến vấn đề rác thải nhựa đại dương ngày càng gia tăng khi các ngư cụ này bị bỏ hoang, thất lạc hoặc vứt bỏ.
Ngư cụ ma (các loại ngư cụ bị bỏ lại trên đại dương) vẫn tiếp tục khiến các loài có giá trị kinh tế và các loài khác bị đánh bắt một cách không chủ ý, không chọn lọc trong nhiều năm, dẫn đến sự suy giảm các nguồn thực phẩm quan trọng, cũng như làm gia tăng mức độ nghiêm trọng về nguy cơ tuyệt chủng đối với một số loài quý hiếm như chim biển, rùa và thú biển. Đây chính là dạng rác thải nhựa đại dương nguy hại nhất, gây tổn hại đến các hệ sinh thái, sinh cảnh sống quan trọng ở biển, và gây nguy hiểm cho ngành hàng hải cũng như sinh kế của người dân.
Cho tới nay, những hậu quả từ việc sử dụng các sản phẩm nhựa không kiểm soát đã bắt đầu nhận được sự quan tâm đáng có, thì tác động của ngư cụ ma lại ít được nhận biết và hiểu rõ. Báo cáo này trình bày quy mô của vấn đề cũng như những lỗ hổng trong các khuôn khổ pháp lý hiện hành, nêu bật sự cần thiết áp dụng các chính sách và thông lệ phòng ngừa cấp quốc gia và quốc tế. Các chính phủ, các tổ chức/cá nhân thiết kế và sản xuất ngư cụ, ngư dân và công chúng nói chung, cần có hành động quyết liệt và kịp thời ngăn chặn ngư cụ ma, dạng rác thải nhựa gây hại đối với nguồn lợi thủy sản và đại dương của chúng ta. (Dẫn nguồn: https://vietnam.panda.org/our_news_vn/publications_vn/?uNewsID=370115 )
Trong một báo cáo gần đây của Tổ chức Bảo vệ Động vật thế giới, mỗi năm không dưới 640.000 tấn ngư cụ bị bỏ lại trong các đại dương, và là ngọn nguồn trở thành "lưới ma" như cách nói của các nhà khoa học. "Lưới ma" đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sinh vật biển, mỗi năm gây ra cái chết của 100.000 cá voi, cá heo, hải cầu và rùa biển.
Những tấm lưới bằng nilon. Tương tự, nhiều ngư cụ khác trên tàu cá cũng bằng chất liệu khó tiêu hủy. Như vậy, ngư cụ một khi bỏ lại ở biển thì cũng đồng nghĩa sẽ làm tăng thêm lượng rác thải nhựa trên đại dương. Hiện tại mỗi năm, đại dương hứng chịu đến 12 triệu tấn rác thải nhựa. Những mảnh vi nhựa đang gây đe dọa nghiêm trọng đến khoảng 400 loài sinh vật biển, 15% trong số đó nằm trong sách đỏ.
Sau chuyến biển, công việc của ngư dân là gỡ rác nhựa ra khỏi cá, trong đó có những tấm tưới bị rách. Thế nhưng, chỗ rác nhựa này bị vứt ngược trở lại xuống biển. Vòng luẩn quẩn của cái gọi là "lưới ma" vẫn chưa có hồi kết. (Dẫn nguồn: https://vtv.vn/vtv9/luoi-ma-canh-bao-moi-nguy-doi-voi-moi-truong-bien-2019092510214406.htm)
Vướng phải lưới ma không phải mối nguy duy nhất của các sinh vật biển. Khi ăn phải những thứ như móc, dây, lưới, chúng sẽ bị thủng đường tiêu hóa, nhiễm trùng huyết, nhiễm độc và chết từ từ. Ảnh: NY Daily News.
Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích biển Đông (cả biển Đông gần 3,5 triệu km2); là quốc gia có chỉ số biển cao, khoảng 0,01 (cứ 100km2 diện tích biển tương ứng 1km2 đất liền), gấp 6 lần chỉ số biển trung bình toàn cầu, nên việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi biển có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Ngày 04/12/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 1745/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Mục tiêu chung nhằm thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Mục tiêu đến năm 2025 giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Kế hoạch phấn đấu đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa; mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và tại 12 huyện đảo./.
Nguồn: Phòng Quản lý tàu cá và CSDVHC nghề cá