HÃY CỨU ĐẠI DƯƠNG KHỎI RÁC THẢI NHỰA

Thứ năm - 28/10/2021 05:05 1.633 0
Rác thải nhựa đại dương đang đe dọa nghiêm trọng đến sinh vật biển và đến chính con người chúng ta. Hơn bao giờ hết, ngay lúc này, chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận về những tác hại của rác thải nhựa và phải có hành động kịp thời để xử lý những tác hại đó.
 
Các đại dương trên thế giới hàng năm phải tiếp nhận hơn chín triệu tấn rác nhựa; điều này đe dọa môi trường sống và sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã. Với hơn 270 loài được ghi nhận có thể đã bị tổn thương bởi các ngư cụ bị vứt bỏ và các loại nhựa thải bỏ gây nên. Ngoài ra, hơn 240 loài đã được ghi nhận có cá thể nuốt phải nhựa. Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe của hệ sinh thái biển và của loài người.

Việt Nam là một quốc gia ven biển có bờ biển trải dài trên 3.200 km và nằm ở vị trí trung tâm đa dạng sinh học của các vùng biển nhiệt đới, sở hữu nguồn cá dồi dào, có các hệ sinh thái biển đa dạng như các rừng ngập mặn, rạn san hô và thảm cỏ biển. Mặc dù mới chỉ khai thác một phần tiềm năng kinh tế biển, nhưng tình trạng suy thoái tài nguyên biển và ô nhiễm đại dương đã và đang diễn ra hết sức nghiêm trọng tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hiện nay môi trường biển ngày càng bị ô nhiễm. Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tại Việt Nam lượng rác thải nhựa thải ra biển mỗi năm là 0,28 tấn - 0,73 tấn, chiếm 6% và là nước xếp thứ 4 về lượng rác thải nhựa trên biển của toàn thế giới.
Ô nhiễm rác thải tại các bờ biển. Ảnh sưu tầm.
 
Hiện nay rác thải nhựa có mặt ở khắp mọi nơi từ trên đường phố đến dưới sông ngòi, từ khu dân cư đến các khu công nghiệp, nhà hàng,... Nói chung ở đâu có hoạt động của con người ở đó có rảc thải nhựa. Nhưng hầu hết chúng có một điểm chung là nếu không được phân loại và xử lý thì đều được xả ra biển.

Rác thải nhựa từ đất liền trôi theo ống nước ngầm, sông, suối… ra biển. Do con người khi xả rác bừa bãi xuống sông, suối, đường phố… bị gió và mưa thổi bay, cuốn trôi ra biển. Hoặc nhiều loại rác thải nhựa như khăn ướt, bông tẩy trang, băng vệ sinh... bị xả xuống bồn cầu rồi ra biển.
Rác thải nhựa do hoạt động du lịch: Khách du lịch khi tham quan, tham gia các hoạt động vui chơi, ăn uống trên biển hoặc gần các bãi biển do thiếu ý thức đã xả rác xuống biển hoặc bờ biển… 
Rác thải nhựa do hoạt động đánh bắt hải sản: Các ngư cụ khai thác thủy sản bị hư, hỏng được vứt bỏ hoặc rơi xuống biển; các chất thải từ các loại tàu lưu thông trên biển cũng là nguyên nhân làm tăng rác thải nhựa trên biển.
Rác thải nhựa bị cuốn từ đất liền xuống biển do ảnh hưởng của các hình thái thời tiết cực đoan như: mưa bão, sóng thần, lốc xoáy…
Ô nhiễm rác thải tại khu neo đậu tàu cá Lạch Cờn.
 
Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống con người, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các loài sinh vật khác trên trái đất; trong đó các loại sinh vật biển là đối tượng phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Các loại sinh vật biển thường nhầm rác thải nhựa là thức ăn và nuốt chúng vào gây nên tình trạng tổn hại thành ruột hoặc gây tắc nghẽn, dẫn tới giảm khả năng hấp thụ của sinh vật, thậm chí gây tử vong.
Bên cạnh việc sinh vật biển bị tác động trực tiếp khi ăn phải rác thải nhựa thì việc các sinh vật trong chuỗi thức ăn của chúng bị giết chết do rác thải nhựa cũng đã gây nên tình trạng thiếu thức ăn của chúng.
Những sinh vật biển khi vướng vào lưới đánh cá bị bỏ đi hoặc các loại rác thải nhựa khác, khiến chúng bị kẹt lại không thoát ra được sẽ yếu dần và chết đi.
Rác thải nhựa sẽ gây ra cái chết của nhiều loài sinh vật biển, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng hoặc làm phá hủy, suy giảm đa dạng sinh học.
Ngoài ra còn làm thay đổi cấu trúc, thành phần loài của hệ sinh thái do việc chuyên chở các sinh vật ngoại lai thông qua rác thải nhựa từ nơi khác đến.
Các loài sinh vật biển ăn nhầm túi nilon và vướng lưới đánh cá. Ảnh sưu tầm.
 
Tác hại mà rác thải nhựa mang đến cho đại dương là vô cùng khôn lường. Chính vì vậy, ngay lúc này chúng ta cần có biện pháp kịp thời để giảm thiểu tình trạng xả rác thải nhựa ra đại dương:
Không xả rác thải ra sông, suối… vì đây là nguồn rác chính đổ thẳng ra biển. Thay vào đó hãy phân loại rác và vứt rác đúng nơi quy định.
Hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa, nhất là đồ nhựa dùng một lần. Xây dựng quy trình tái chế rác thải nhựa an toàn, thân thiện với môi trường.
Không vứt rác ra bãi biển, nâng cao ý thức du lịch biển. Cần dọn dẹp rác thải ngay sau khi thực hiện các hoạt động trên biển.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân, cộng đồng dân cư ven biển về tác hại của rác thải nhựa phát sinh từ các hoạt động thủy sản; không vứt các ngư cụ hỏng (lưới đánh cá, dây câu…) xuống biển; tuyên dương những cá nhân, tập thể điển hình góp phần làm sạch môi trường.
Chung tay làm sạch bãi biển, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vì một đại dương không còn rác./.
Đăng Tráng – Chi cục Thủy sản Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
qc tc
ql cs
pmsh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập83
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm80
  • Hôm nay15,967
  • Tháng hiện tại359,558
  • Tổng lượt truy cập14,197,730
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây